Nghệ sĩ đồ họa sử dụng AI để biến “nàng Mona Lisa” thành người thật

(Dân trí) - Sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt và trí tuệ nhân tạo, một nghệ sĩ đồ họa người Ba Lan đã biến “nàng Mona Lisa” trong bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci trở thành người thật.

Bức tranh vẽ nàng Mona Lisa của họa sĩ thiên tài người Ý Leonardo da Vinci là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, điều này giúp gương mặt của Mona Lisa trở nên rất quen thuộc và được nhiều người biết đến.

Hẳn không ít người sẽ đặt ra câu hỏi liệu gương mặt thực sự của Mona Lisa sẽ trông như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia đồ họa người Ba Lan Denis Shiryaev đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, kết hợp với trí tuệ nhân tạo để mô phỏng lại gương mặt thật của Mona Lisa từ bức tranh vẽ của da Vinci.

Nghệ sĩ đồ họa sử dụng AI để biến “nàng Mona Lisa” thành người thật - 1

Gương mặt thật của Mona Lisa được trí tuệ nhân tạo xây dựng dựa vào bức tranh của Leonardo da Vinci

Nghệ sĩ đồ họa sử dụng AI để biến “nàng Mona Lisa” thành người thật - 2

Cô gái trong bức tranh “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” cũng đã được tái hiện gương mặt thật bằng AI

Ngoài bức chân dung của Mona Lisa, Denis Shiryaev cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng gương mặt thật của các nhân vật trong những bức tranh nổi tiếng khác, như bức tranh “Người đàn bà và con chồn” (một bức tranh khác của Leonardo da Vinci), bức “American Gothic (của họa sĩ người Mỹ Grant Wood) hay bức tranh “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer….

Dĩ nhiên, gương mặt của những nhân vật trong các bức tranh nổi tiếng do Denis Shiryaev tái hiện lại chỉ mang tính tham khảo và mô phỏng dựa trên các chi tiết có trong tranh, khó có thể xác định được mức độ chính xác của gương mặt các nhân vật này sau khi được trí tuệ nhân tạo tái hiện.

Nhân vật trong các bức tranh nổi tiếng được tái hiện gương mặt thật nhờ AI

Ngoài việc tái hiện gương mặt thật của các nhân vật trong tranh, Denis Shiryaev còn nổi tiếng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để “tô màu” cho những thước phim cũ, giúp cho các thước phim đen trắng trở nên sinh động hơn.

Cuối tháng 8 vừa qua, Denis Shiryaev đã khiến nhiều người phải bất ngờ khi sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục chế và “tô màu” cho thước phim lâu đời nhất thế giới, được quay từ năm 1888. Đây là đoạn phim ngắn chỉ vài giây, được ghi hình vào ngày 14/10/1888, và bởi nhà phát minh người Pháp Louis Le Prince.

Dưới đây là một cảnh phim quay tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1913 đến 1915, đã được Denis Shiryaev sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục hồi, tăng chất lượng và thêm màu sắc, để giúp đoạn video trở nên sinh động và rõ nét hơn.

Video về thành phố Tokyo, quay từ năm 1915, được phục dựng nhờ AI