Ngày 4/5, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên

Vào lúc 23h 06 ngày 3/5/2013 (theo giờ Kourou) tức 9h 06 ngày 4/5/2013 (theo giờ Hà Nội), vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 chuyên quan sát về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai sẽ được phóng lên quỹ đạo.

VNREDSat-1 sẽ là vệ tinh thứ 4 của Việt Nam được phóng lên

Theo thông tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), ngày 4/5 vệ tinh quan sát trái đất (viễn thám) đầu tiên của Việt Nam là VNREDSat-1 sẽ được phóng lên tại bãi phóng Kourou ở Guyana (Pháp). Vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ở độ cao 670 km với góc nghiêng là 98,1o và có trọng lượng là 120 kg. Sau khi rời mặt đất 2 tiếng, vệ tinh VNREDSat -1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc.

Thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 là lúc 14h30 ngày 4/5. Dự kiến sau 2 ngày, chúng ta có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1 và sau đó 1 ngày là những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.

Ngày 4/5, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên


Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và 64.820 triệu đồng từ vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh được thiết kế và tư vấn bởi Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng Châu Âu (EADS) chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp. Tuổi thọ của VNREDSat-1 theo thiết kế là 5 năm, thời gian chụp lặp lại tại một vị trí xác định là 3 ngày. Vùng dịch vụ của vệ tinh là Việt Nam và có các đài trái đất được đặt tại khu vực Hà Nội.

Vệ tinh VNREDSat-1 có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra những sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu... Ngoài ra, VNREDSat-1 sẽ cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ...

Trả lời trên các phương tiện truyền thông, đại diện Viện Công nghệ Vũ trụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, trước đây để có được những bức ảnh của vệ tinh, các cơ quan Việt Nam phải đặt mua về với giá 2.000 - 5.000 USD/ảnh và mất 1 - 2 tháng mới nhận được nhưng với VNREDSat -1, chúng ta sẽ có được những bức ảnh gần như tức thời. Khi đi vào hoạt động, vệ tinh này sẽ kết hợp với hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tạo ra hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam. Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, Vệ tinh VNREDSat -1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông đã đưa lên quỹ đạo trước đây. Cụ thể, vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 đang làm việc ở độ cao khoảng 35.800 km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat -1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.

VNREDSat-1 sẽ là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên và cũng là vệ tinh thứ 4 của Việt Nam được đưa vào quỹ đạo nếu tính cả vệ tinh F-1 Cubesat của FPT.

Hoàn thành phối hợp tần số với 14 quốc gia

Theo quy định của ITU, mạng vệ tinh VNREDSat-1 sẽ phải phối hợp và loại bỏ can nhiễu đối với vệ tinh của các quốc gia khác. Trên cơ sở đó, Cục Tần số đã nhận được yêu cầu phối hợp từ 16 quốc gia bao gồm Brazil, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Ả Rập Xê Út, Belarus, Ai Cập, Libya, Đức, Nauru, Bahrain, Iran, Maroc cũng như 2 tổ chức vệ tinh: Arabsat (do Ả rập xê út đại diện) và Galileo (do Pháp đại diện). Hiện Cục đã hoàn thành phối hợp với 13 nước và 1 tổ chức vệ tinh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các nước còn lại là Trung Quốc, Nga và Pháp. "Việc hoàn thành phối hợp với các nước có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ mạng vệ tinh VNREDSat-1. Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý các nước để thúc đẩy việc phối hợp", đại diện Cục Tần số nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với công tác đăng ký hồ sơ, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phối hợp cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai xây dựng hồ sơ và thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế thành công với Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Hồ sơ của mạng VNREDSat-1 đã được ghi vào bảng tần số chủ ngày 01/05/2012. Như vậy, sau thành công của dự án VINASAT-1 và VINASAT-2, một lần nữa Cục Tần số Vô tuyến điện đã hoàn thành tốt việc đăng ký và phối hợp tần số quốc tế dành quyền sử dụng quỹ đạo và tần số vệ tinh VNREDSat-1 trên không gian, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, góp phần xây dựng đất nước.

Ngày 6/2/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chính thức đồng ý cho Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam sử dụng tên lửa đẩy VEGA để phóng VNREDSat-1 lên quỹ đạo. Dự án VNREDSat-1 cùng với các dự án vệ tinh VINASAT do Bộ TT&TT triển khai nằm trong khuôn khổ Chiến lược Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020 được Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư.

Theo Nguyễn Khiêm

ICTNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm