Ngành phần mềm Việt: Sụt giảm trong nước, tăng trưởng nước ngoài

Năm năm qua, khi đà tăng trưởng của ngành phần mềm trong nước có dấu hiệu sụt giảm mạnh so với thời kỳ trước đó thì thị trường xuất khẩu lại có nhiều điểm sáng đáng chú ý.


Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh chỉ có tính minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Báo cáo của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho thấy, từ 2011-2015, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước cũng đã khiến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì được ở mức 10-15%/năm (giai đoạn 5 năm trước đạt mức 30-40%/năm) song vẫn cao gấp 2 - 3 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP.

Cụ thể, doanh thu phần mềm tăng từ 1,06 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 1,6 tỷ USD năm 2015; dịch vụ và nội dung số năm 2015 cũng đạt trên 1,6 tỷ USD. Tính chung, doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2010 lên trên 3 tỷ USD năm 2015. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 – 95%.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành tăng trưởng trung bình khoảng 10% năm và hiện đã đạt quy mô gần 200 nghìn người. Đội ngũ doanh nghiệp có sự lớn mạnh về số lượng, quy mô, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, những công ty có quy mô trên 1.000 lao động như FPT, VTC, VNG... vẫn đang phát triển đã xuất hiện các công ty mới có quy mô đạt nhân lực 200-500 người như VMG, Luvina, Fujinet...

Đáng chú ý, trong thời gian qua tuy có sự chững lại của các công ty phục vụ thị trường trong nước nhưng lại ghi nhận sự phát triển sôi động cả về quy mô, số lượng công ty làm dịch vụ gia công phần mềm với nước ngoài.

Theo VINASA, thị trường trong nước chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế nên đà tăng trưởng bị sụt giảm mạnh. Thị trường bị ảnh hưởng lớn bởi hai phân khúc là ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp khi hai phân khúc này đều bị cắt giảm nguồn vốn dành cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, những vướng mắc về cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê ngoài dịch vụ công nghệ cũng gây cản trở cho sự phát triển của phân khúc thị trường này.

Ngược lại, thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt tốc độ phát triển từ 30-40%/năm. Điều này có được là bởi sự nỗ lực đón bắt làn sóng chuyển dịch thị trường dịch vụ gia công phần mềm của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản. Hiện, Việt Nam là đối tác yêu thích số 1 của Nhật Bản và thị trường Mỹ và châu Âu vẫn duy trì tăng trưởng 20-30%/năm.


Một nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Một nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Nhìn thẳng vào hạn chế, phía VINASA cũng cho rằng, đa số doanh nghiệp của Việt Nam nhỏ nên không đầu tư được nhiều cho nghiên cứu và phát triển, không tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo. Đi cùng đó, nguồn nhân lực cũng đang đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Dự tính nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 400.000 người trong khi toàn bộ hệ thống giáo dục chỉ cung ứng khoảng 250.000 người. Đó là chưa kể kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường còn hạn chế.

Ngoài ra, hạ tầng cho sự phát triển cũng gặp nhiều thách thức. Theo VINASA, cả nước hiện chỉ có Khu công viên phần mềm Quang Trung là đáng kể về quy mô và hoàn thiện hạ tầng nhưng cũng chỉ giải quyết nơi làm việc cho trên 100 doanh nghiệp. Hạ tầng internet Việt Nam trong 5 năm qua chậm lại so với thế giới...

Để giải quyết những vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rằng hiệp hội này có một trách nhiệm nặng nề để thúc đẩy hơn nữa sức mạnh của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, đặc biệt là ngành phần mềm.

"VINASA phải trở thành hạt nhân tiên phong trong liên kết ngành, liên kết vùng miền, hạt nhân tiên phong trong đổi mới, ứng dụng, phát triển công nghệ; tiên phong trong khởi nghiệp công nghệ (startup); tiên phong trong hội nhập quốc tế để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển sẽ phát triển nhanh hơn nữa trong khi các doanh nghiệp lớn sẽ trở thành các doanh nghiệp toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển và nâng cao vị thế quốc gia,” ông Bình kết luận.

Theo Vietnam +