Nắng nóng như thiêu đốt, thị trường điều hoà "cháy bỏng"
(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng đã khiến nhu cầu mua và sử dụng điều hoà của người dân tại khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng đột biến kể từ đầu tháng 6.
Hà Nội đang trải đợt nắng nóng cao điểm, được dự đoán sẽ kéo dài lên tới 14 ngày. Thời tiết nắng nóng đã khiến nhu cầu mua và sử dụng điều hoà, cũng như các thiết bị làm mát tăng đột biến trong thời gian qua.
Nhu cầu dùng điều hoà, thiết bị điện tăng đột biến trong tháng 6/2020
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội vào ngày 9/6 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ trên toàn thành phố đã lên tới mức 89,24 triệu kWh, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng các thiết bị điện để làm mát của người dân là lớn tới mức nào.
Nếu so sánh với bình quân lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó có thể nhận thấy, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô trong tháng 6 đã tăng rất cao. Cụ thể: tháng 4, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 42,99 triệu kWh; tháng 5 là 62,6 triệu kWh và đầu tháng 6 (tính đến ngày 09/06) là 79,72 triệu kWh.
Còn tại các cửa hàng bán đồ điện lạnh, siêu thị điện máy, lượng người mua các thiết bị điều hoà, quạt điện, máy làm mát không khí cũng tăng chóng mặt.
Siêu thị đắt khách nhờ nắng nóng
Siêu thị điện máy Pico ghi nhận doanh số so với cùng kỳ năm ngoái tăng 40%-50%, dù năm nay các hệ thống bán lẻ đều đồng loạt bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong ít nhất từ 1-2 tháng.
So với thời điểm các tháng trước, lượng người đến mua điều hoà vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tăng gấp đôi.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Nguyễn Quang Đức, đại diện Pico chia sẻ chủ yếu khách mua hàng không ngờ được mùa nóng năm nay kéo dài và có cường độ mạnh đến như vậy.
“Bước vào đầu mùa nóng, doanh số mặt hàng điện lạnh bắt đầu tăng. Tuy nhiên doanh số chỉ thực sự cao khi bước vào giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, do tâm lý người dân thấy nắng gắt không chịu được nên mới đổ xô tới các siêu thị để mua hàng, dẫn tới tình trạng quá tải sản phẩm tại một số thời điểm”, ông Đức cho biết.
Cùng với đó, siêu thị Điện Máy Xanh cũng ghi nhận mức tăng 250% chỉ trong 9 ngày đầu tháng 6. Các dòng điều hoà thu hút mạnh ở các tỉnh miền Bắc chủ yếu đến từ thương hiệu Panasonic, LG, và các thương hiệu “giá rẻ” gồm Casper, Midea, Gree, Comfee. Phân khúc giá chính vẫn ở mức từ 7-12 triệu đồng.
“Năm nay do có tới 2 tháng 4, nên mùa nóng tại Hà Nội kéo dài, đồng thời giai đoạn cao điểm chuyển sang cuối tháng 5 - đầu tháng 6, thay vì rơi vào tháng 4 như năm 2019. Tuy nhiên cũng nhờ sự bố trí này nên thị trường điện máy đã kịp phục hồi và tăng mạnh sau giai đoạn bị ảnh hưởng từ Covid-19”, đại diện Điện Máy Xanh cho biết.
Ý thức được khoảng thời gian từ đầu tới giữa tháng 6 sẽ là giai đoạn cao điểm nhất của đợt nắng nóng, cũng như nhu cầu tìm mua các thiết bị làm mát, nên đa số các siêu thị điện máy đều có sự chuẩn bị kịp thời để không rơi vào tình trạng “cháy hàng”, thiếu hụt nhân viên.
Chia sẻ từ đại diện quản lý của một siêu thị điện máy tại Hà Nội, người này cho biết từ trước mùa nóng đã phải nhập sẵn hàng, chuẩn bị nhân lực, tăng cường 200% thợ lắp điều hoà, ngày công làm gấp đôi, đồng thời tăng cường tuyển dụng thêm nhân lực ngoài để đảm bảo lắp đặt kịp thời, đúng tiến độ cam kết cho khách.
Bên cạnh các sản phẩm điều hoà, những thiết bị làm mát khác như quạt cơ, quạt phun sương, máy làm mát không khí,... cũng có lượng mua cao, nhưng tất nhiên không thể so sánh với điều hoà.
Theo ghi nhận, dù lượng khách mua tăng đột biến, nhưng do lượng siêu thị điện máy được bố trí khá dày đặc trên địa bàn Hà Nội, cộng thêm một phần lớn khách hàng chuyển sang đặt mua online, nên hầu như không ghi nhận thấy cảnh chen chúc, tập trung đông người tại siêu thị điện máy để mua điều hoà, mua quạt.
“Vào các dịp cuối tuần, hoặc sau khi trời tối, lượng khách có đông hơn, nhưng đa số chỉ đưa trẻ con vào để chơi, tham khảo giá, chứ ít người thực sự mua hàng”, nhân viên một siêu thị điện máy tại Hà Nội chia sẻ.
Nguyễn Nguyễn