1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple

(Dân trí) - Apple và những sản phẩm gắn biểu tượng “táo khuyết” luôn thể hiện được đẳng cấp. Chính vì điều này, không ít hãng sản xuất tại Trung Quốc đã không ngần ngại gắn biểu tượng quen thuộc lên sản phẩm của mình, như một cách để làm tăng thêm giá trị của sản phẩm.

Dưới đây là những sản phẩm “nhái” và ăn theo thương hiệu của Apple tại thị trường Trung Quốc, mà không ít sản phẩm “nhái” này không hề thua kém kiểu dáng so với sản phẩm thật, và khiến không ít người cảm thấy thán phục với… khả năng làm nhái.

Bộ loa máy tính “ăn theo” sản phẩm của Apple

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple - 1

Với màu trắng đặc trưng và biểu tượng “trái táo khuyết” in trên đó, hẳn không ít người sẽ nhầm tưởng đây là bộ loa máy tính của Apple. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là sản phẩm “nhái” của Trung Quốc. Giống với những chiếc loa máy tính kết nối qua cổng USB thông thường, bộ loa “ăn theo” này có chất lượng âm thanh ở mức trung bình, nhưng cũng khá hơn so với chất lượng âm thanh của hệ thống loa tích hợp trên laptop MacBook.

Sản phẩm có giá 12 USD.

Vỏ bọc thông minh Smart Cover “dỏm” dành cho iPad


Ngay khi giới thiệu iPad 2, thì smart cover là phụ kiện đáng giá nhất được Apple giới thiệu kèm theo sản phẩm của mình, tuy nhiên, giá thành của phụ kiện này khá đắt, với giá 39 USD. Và để đáp ứng cho người dùng một sản phẩm tương tự với giá thành rẻ hơn, một sản phẩm “nhái” có xuất từ Trung Quốc được ra đời, với giá chỉ 33 USD.

Sản phẩm cũng mang đến các tính năng tương tự như smart cover “xịn”, như tự động tắt màn hình iPad 2 khi gập lại, tạo thành giá đỡ phía sau iPad 2… tuy nhiên, nhận xét chung của người dùng sau khi sử dụng sản phẩm “nhái” này đó là mỏng manh, rất mau hỏng và thậm chí là… có mùi kinh khủng. Do vậy, chỉ với mức giá chênh nhau có 6 USD rất khó để sản phẩm “nhái” này có thể tồn tại trên thị trường.

Cửa hàng Apple Store “nhái” tại Trung Quốc


Không chỉ làm nhái sản phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm ăn theo thương hiệu của Apple, mà thậm chí, cửa hàng bán lẻ Apple Store của “quả táo” cũng bị làm giả tại Trung Quốc, với phong cách thiết kế cửa kính đặc trưng và các nhân viên mặc đồng phục có gắng logo của Apple giống như những cửa hàng thật

Những cửa hàng giả này cũng bán các sản phẩm của Apple như iPod, iPhone, MacBook, iPad… Những cửa hàng này sau đó đã bị Apple khởi kiện và buộc phải đóng cửa.

iPhone 5 “giả” ra mắt trước cả hàng thật


Có thể nói, iPhone thế hệ mới là một trong những sản phẩm được cả thế giới trông đợi nhất trong năm 2011, với kỳ vọng một sản phẩm có nhiều sự thay đổi và đột biến so với iPhone 4 trước đây.

Tuy nhiên, ngay cả khi thông tin về iPhone 5 chỉ ở mức tin đồn và Apple chưa hề tung ra phiên bản iPhone mới (là iPhone 4S), thì vào tháng 9, thì người dùng tại Trung Quốc đã có thể đặt mua và sử dụng… iPhone 5.

Đây là sản phẩm được thiết kế dựa trên những tin đồn liên quan đến iPhone 5, với độ mỏng đáng kể chỉ 7mm, mỏng hơn cả iPhone 4 và có thiết kế dạng bo tròn như iPhone 3GS. Máy cũng chỉ được trang bị một cấu hình khá khiêm tốn, với vi xử lý 600 MHz, 64MB bộ nhớ RAM và chỉ 24MB bộ nhớ lưu trữ.

Cổng kết nối USB iHub

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple - 2

iHub là một thiết bị kết nối, có 4 cổng USB, được thiết kế để tạo nên cảm giác đây là một sản phẩm của Apple, với kiểu dáng tương tự như máy tính iMac. Sản phẩm cũng được trang trí ở bề mặt một biểu tượng “táo khuyến” có khả năng phát sáng, giống với logo trên mặt lưng của laptop MacBook.

Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm “nhái” phong cách này đã bị Apple kiện và cấm bán trên toàn cầu.

iSD - Đầu đọc thẻ nhớ dành cho MacBook


Nếu sản phẩm iHub ở trên có tác dụng tăng thêm số lượng cổng USB kết nối thì iSD là sản phẩm được ra đời để khắc phục nhược điểm không hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ SD trên dòng laptop MacBook của Apple.

iSD cũng được thiết kế theo “phong cách Apple”, mà khi nhìn vào nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng đây là một sản phẩm do chính Apple sản xuất, với màu trắng, bo tròn 4 góc và logo Apple nổi bật ở chính giữa. Chỉ có một điểm khác biệt, đây không phải là sản phẩm của Apple mà chỉ của một hãng sản xuất đến từ Trung Quốc.

Trang web được thiết kế theo phong cách trang chủ của Apple

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple - 3

Có vẻ như mọi lĩnh vực liên quan đến Apple đều là nguồn cảm hứng “làm nhái” tại Trung Quốc, khi trang web của hãng game Giant Network tại nước này đã thiết kế trang chủ của mình với phong cách hoàn toàn giống với trang chủ của Apple, để quảng bá cho trò chơi trực tuyến Zhengtu 2.

Chỉ thoạt nhìn qua có thể thấy rằng trang web này đã sao chép nguyên mẫu giao diện trang chủ của Apple cho trang chủ của mình, từ màu sắc, vị trí các thanh công cụ đến các biểu tượng. Tuy nhiên, một điều khác biệt đó là thay vì biểu tượng trái táo khuyết, Giant Network đã thay vào đó biểu tượng của một… trái bầu khuyết.

Giày “nhái” gắn “mác” Apple

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple - 4

Có lẽ không phải không có lý do khi mọi sản phẩm có gắn biểu tượng “táo khuyết” đều có giá trị nhất định của nó, và nắm bắt được điều này, một hãng sản xuất giày ở Trung Quốc đã không ngần ngại gắn biểu tượng “táo khuyến” lên sản phẩm của mình.

Mặc dù được gắn mác “táo khuyết”, tuy nhiên những đôi giày này có giá bán khá rẻ, chỉ 5USD cho mỗi đôi. Hiện những đôi giày này vẫn có thể tìm mua được tại các cửa hàng trực tuyến ở Trung Quốc, hoặc thông qua trang web TaoBao (dịch vụ bán hàng trực tuyến giống như eBay tại Trung Quốc).

iPad 2 “nhái” hoàn toàn giống thật

Muôn mặt sản phẩm “mượn” thương hiệu Apple - 5

Nếu nhìn vào hình ảnh trên, hẳn ai cũng có thể nhận ra đó là máy tính bảng iPad 2 của Apple, tuy nhiên, thực chất đây là chiếc máy tính bảng có tên M97, một phiên bản sao chép hoàn hảo của iPad 2, với vi xử lý 1,2 GHz, 1GB bộ nhớ RAM, 4GB bộ nhớ lưu trữ và có khả năng mở rộng qua thẻ nhớ ngoài. Máy cũng được trang bị camera 3 megapixel ở sau, 2 megapixel ở trước, kết nối 3G.

M97 có màn hình 9,7-inch, độ phân giải 1024x768 (tương tự iPad 2) và hoạt động trên nền tảng Android 2.3.

Khác với iPad 2, sản phẩm sao chép này có giá thành khá rẻ, chỉ 238 USD và vẫn có thể tìm mua được tại thị trường Trung Quốc.

“Bản sao hoàn hảo” của MacBook Air


Nếu “siêu phẩm” MacBook Air của Apple có một độ mỏng hoàn hảo mà các “ông lớn” công nghệ luôn tìm cách để vượt qua, thì điều này dường như lại rất dễ dàng tại Trung Quốc, với những hãng sản xuát vô danh.

Nếu không đặt cạnh sản phẩm giả và thật ở cạnh nhau để so sánh, thật khó để nhận ra, đâu là MacBook Air chính hãng, và đâu là MacBook Air “nhái”, ngoại trừ việc hàng nhái sử dụng hệ điều hành Windows, thay vì Mac OS.

Sản phẩm nhái này cũng có giá rất “mềm”, chỉ 499 USD.

Đến cả Steve Jobs cũng… bị làm “giả”


Steve Jobs, tượng đài công nghệ mà không biết bao giờ thế giới mới có được lần thứ 2, người đã làm thay đổi cả nền công nghệ thế giới, nhưng tại Trung Quốc, Steve Jobs chỉ… đi bán trà.

Một hãng sản xuất trà tại Đài Loan đã tung ra đoạn quảng cáo, trong đó có một diễn viên với phong cách ăn mặc, cử chỉ giống hoàn toàn với Steve Jobs để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Cần phải thừa nhận, diễn viên này đã diễn tả thành công phong thái mà Steve Jobs có được.

Phạm Thế Quang Huy