1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Mua USB phải trả tiền tác quyền?

Sắp tới, người tiêu dùng sẽ phải trả cả tiền bản quyền khi mua những công cụ sao chép như đĩa quang (đĩa trắng), đĩa cứng, USB, máy photocopy… Thông tin này đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua khi Cục Tác giả bản quyền văn học-nghệ thuật đưa ra dự thảo về vấn đề này.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học-nghệ thuật để hiểu rõ hơn vấn đề này.

 

Thực hư chuyện sẽ thu phí tác quyền đối với một số loại máy công nghệ số như: đĩa quang, usb, máy photocopy, máy quay phim, chụp ảnh mà Cục Bản quyền tác giả văn học-nghệ thuật sắp đưa ra là thế nào, thưa ông?

 

Ông Vũ Mạnh Chu: Đúng vậy, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành thu phí tác quyền của một số loại máy công nghệ số như đĩa quang, đĩa cứng, usb, máy photocopy… Đó là những công cụ có thể sao chép, lưu giữ tác phẩm văn học-nghệ thuật, các tài liệu liên quan đến tổ chức nhân sự, các số liệu kinh tế của các doanh nghiệp…, do đó chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền (hay còn gọi là tiền đền bù) các tác giả là điều đương nhiên.

 

Xin ông cho biết mức thu phí này dự kiến sẽ được tính như thế nào đối với mỗi sản phẩm?

 

Hiện nay mức thu phí đĩa quang ở mỗi nước đều khác nhau, ví dụ như ở Singapore, Indonesia, Phillipine… họ tính theo công thức: Tỷ lệ phần trăm giá tiền đền bù nhân với số lượng đĩa trắng, nhân với phần trăm giá bán đĩa trắng. Tiền tác quyền đó sẽ chia đều cho tác giả và các bên liên quan còn ở Thuỵ Sĩ thì tiền tác quyền sẽ trả cho tác giả nhiều hơn các bên liên quan. Tuy nhiên, nếu người sử dụng công cụ sao chép đó với mục đính cá nhân sẽ được hoàn trả lại tác quyền.

 

Vậy làm thế nào để người sử dụng chứng minh được việc sử dụng công cụ sao chép này là mục đích cá nhân, thưa ông?

 

Muốn vậy, người sử dụng phải mang công cụ đó đến cơ quan có chuyên trách để họ kiểm tra nội dung.

 

Mang các công cụ cá nhân đến cơ quan chuyên trách để kiếm tra như vậy thì làm sao có thể đảm bảo việc bảo vệ những thông tin cá nhân?

 

Chúng tôi dự kiến sẽ thành lập Hiệp hội công nghiệp ghi âm, cơ quan này sẽ có trách nhiệm thực hiện mọi quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

Ngay cả điều luật về tác quyền âm nhạc của ta được đưa ra từ rất lâu, đến nay đã tỏ ra nhiều bất cập và “bị” “người trong cuộc” mỗi người hiểu và làm một kiểu. Vậy thì việc thu phí tác quyền ở vấn đề mới như thế này, liệu có thực thi hay không, thưa ông?

 

Không thể nói là thực thi hay không mà chúng ta phải quyết tâm làm được nó. Những điều mà trước đây chúng ta chưa làm được là do chúng ta yếu kém, cần phải sửa chữa, còn những việc sẽ phải thực hiện trong thời gian tới phải kiên quyết hơn. Điều quan trọng nhất là vấn đề đưa ra thu tác quyền phải đúng, phải hợp tình hợp lý. Nhất là trong thời điểm hiện nay, chúng ta đã hội nhập thế giới, thì phải thực hiện mọi thông lệ quốc tế đã tồn tại từ lâu chỉ có điều người Việt Nam có chấp nhận văn hoá tiến bộ này hay không. Thậm chí những điều lúc đầu chúng ta tưởng khó thực thi như thu tác quyền tại quán karaoke, quán bar mà chúng ta đã thực hiện tốt trong thời gian qua.

 

Dự kiến, bao lâu nữa điều luật này sẽ có hiệu lực, thưa ông?

 

Hiện nay chúng tôi đang tiến hành dự thảo để trình lên Chính Phủ, cũng không lâu nữa sẽ được thực thi.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thanh Hoà

Báo Tổ quốc