Mưa sao băng sẽ đạt cực điểm rạng sáng 12 - 13/8

(Dân trí) - Chưa có hiện tượng sóng thần xảy ra sau khi diễn ra siêu trăng vào rạng sáng nay 11/8. Trận mưa sao băng sẽ đạt cực điểm rạng sáng 12 - 13/8.

Thủy triều không dâng bất thường

Người yêu thiên văn khắp thế giới vừa chiêm ngưỡng hiện tượng siêu trăng vừa diễn ra rạng sáng nay (11/8).Theo tính toán của các nhà khoa học khi siêu trăng diễn ra, mặt trăng sẽ sáng hơn tới 30% và gần Trái Đất hơn khoảng 14% so với trăng tròn thông thường.

Lần cực cận này cũng là lúc Mặt trăng đạt tới vị trí gần Trái đất nhất trong năm 2014, với khoảng cách là 356.896km. Cũng theo các nhà khoa học, mặt trăng sẽ không tiến tới gần trái đất ở khoảng cách tương tự cho tới cuối tháng 9/2015.

Dù vậy, hiện tượng mặt trăng cực đại vẫn khó cảm nhận rõ ràng bằng mắt thường, đặc biệt tại các khu đô thị lớn, do tác động của ánh sáng sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Các nhà thiên văn học dự đoán khi hiện tượng siêu trăng diễn ra, thủy triều sẽ cao hơn bình thường tại các bờ biển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có báo cáo nào cho biết sóng thần đã diễn ra.

Siêu trăng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Siêu trăng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Cùng đó, sau khi hiện tượng siêu trăng diễn ra khoảng 20 phút sẽ là thời điểm bắt đầu diễn ra mưa sao băng (Perseids). Đây cũng là trận mưa lớn nhất trong năm nay. Nó được coi là trận mưa sao băng lớn nhất có định kì hàng năm với mật độ khi cực điểm vào khoảng 50 - 100 sao băng mỗi giờ.

Hiện tượng "siêu trăng" gây khó quan sát mưa sao băng

Hội Thiên văn Việt Nam (VACA) thông tin, mưa sao băng đang diễn ra khó quan sát, do diễn ra ra gần thời điểm hiện tượng siêu trăng đã bắt đầu. Vì thế, mặt trăng rất sáng, mặt khác lại có vị trí khá gần chòm sao Perseus, ánh sáng từ thiên thể này sẽ làm mờ một phần bầu trời rộng xung quanh nó, gây khó khăn cho việc quan sát các sao băng.

Như vậy, mặc dù là mưa sao băng lớn nhất mỗi năm nhưng năm nay, mật độ sao băng của hiện tượng này được quan sát ngay cả khi thời tiết lý tưởng, theo dự đoán, cũng chỉ tương đương một mưa sao băng cỡ trung bình.

Siêu trăng ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Với những người yêu hiện tượng mưa sao băng, thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là vào rạng sáng ngày 12 -13/8, gần lúc bình minh (sau 3h sáng). Hãy nhìn lên cao trên bầu trời phía Đông và tìm kiếm chòm sao như hình ảnh phía trên (trên thực tế nếu không quen với việc xác định các chòm sao thì bạn có thể đơn giản là nhìn lên vùng cao trên bầu trời phía Đông).

Phạm Thanh