Mua máy ảnh “pro” chợ trời
Nhìn bề ngoài có vẻ tĩnh lặng, khi thực sự bước vào lĩnh vực này mới thấy được sự sôi động bên trong của nó, từ việc chơi ảnh đến việc trao đổi, mua bán máy, giá cả thiết bị. Mua bán kiểu chợ trời nhưng cũng có nơi giữ đúng quan điểm trong mua bán là “tiền nào của ấy”, nói chỉ một giá, hàng giao chất lượng đúng như giá cả thỏa thuận.
Có thể chia máy ảnh kỹ thuật số làm ba loại theo tính năng phục vụ: Máy ảnh du lịch, bán chuyên nghiệp và máy ảnh chuyên nghiệp.
Máy ảnh du lịch là loại nhỏ gọn lọt lòng bàn tay, ống kính thiết kế trong thân máy; bán chuyên nghiệp là máy có ống kính gắn liền với thân, tiêu cự có thể điều chỉnh; và máy ảnh chuyên nghiệp (pro, professional tức chuyên nghiệp hay nhà nghề) là loại thân rời, tháo lắp được nhiều loại ống kính có tiêu cự hoặc chức năng khác nhau.
Chợ trời: Đa dạng giá cả và chất lượng
Do giá máy hàng chính hãng quá cao nên “dân nháy” hầu như quay sang mua đi bán lại lẫn nhau và hàng xách tay từ nước ngoài về. Với những chủng loại này, giá nào cũng có, tùy vào chất lượng còn lại của máy.
Cứ thế, máy trước lên đời bỏ lại và người sau tiếp nối, chợ trời máy ảnh thực sự sôi động. Đã vào đây là lạc vào thế giới đủ loại chất lượng, đủ loại giá cả.
Chỉ cần khoảng 700-800 USD là đã có thể sở hữu một Canon EOS-10D, EOS-20D, Nikon 80D, 100D… với chất lượng 85-90%. Có lúc, chỉ cần 400-500 USD cũng đã có thể sở hữu chiếc Nikon D70s hay Canon 350D, Canon 10D…
Theo kinh nghiệm của một phó nháy chuyên nghiệp, hiện nay trong nước số lượng máy xách tay được sử dụng cao hơn nhiều loại máy mua từ chính hãng.
Lĩnh vực này có vẻ phong phú, sôi động hơn khu vực mua bán hàng nguyên đai nguyên kiện. Hiện trên mạng có hàng trăm DN quảng cáo, rao bán bằng nhiều hình thức, bên cạnh đó là các forum trao đổi mua bán. Chính điều này khiến cho những nhà buôn nghiêm túc rơi vào khó khăn.
Hoàng - chủ một doanh nghiệp chuyên bán hàng chính hãng có có website mua bán - thừa nhận: “Tình trạng máy xách tay khiến những nhà bán lẻ hàng chính phẩm liêu xiêu, vì giá cả chênh nhau quá lớn”.
Mua đi bán lại, hàng xách tay trốn thuế… chính là yếu tố dẫn đến vàng thau lẫn lộn, tình trạng chất lượng bát nháo và giá cả trên trời xảy ra thường xuyên.
Lựa chọn người bán
Đã là dân chụp ảnh chuyên nghiệp ở TPHCM thì không ai không biết hai nhà phân phối độc quyền là Lê Bảo Minh của Canon và Tân Thịnh của Nikon. Những máy mua từ chính hãng do nhà phân phối bán ra được hưởng những chế độ bảo hành rất đặc biệt.
Hiệu ảnh Ngọc Canon trước đây cũng là nhà phân phối độc quyền cho Canon còn đưa máy sang tận nước sản xuất để sửa chữa bảo hành, và trong thời gian này sẽ tạm giao máy khác cho nhà nhiếp ảnh dùng tạm.
Tuy thế trong giới không chính hãng, cũng có những người bán máy ảnh chuyên nghiệp giữ chữ tín khá tốt bằng việc thông báo chất lượng tương xứng với giá cả, đồng thời có bảo hành trách nhiệm.
Dân trong nghề chắc chắn không ai không biết cửa hàng K.L. đặt tại Thương xá TAX TPHCM, hoặc G.D.Đ - dân phố Tràng Thi (Hà Nội), hoặc H - một dân chuyên xách tay hàng từ Nhật về...
Mua bán kiểu chợ trời nhưng những nơi này giữ đúng quan điểm trong mua bán là “tiền nào của ấy”, nói chỉ một giá, hàng giao chất lượng đúng như giá cả thỏa thuận.
Vì vậy mà mặc dù phương thức mua bán của Đ và H đều là đặt hàng giao tiền trước, nhưng người mua không hề lo ngại. Cửa hàng K.L. đặt chế độ bảo hành 6 tháng cho máy cũ, nếu có trục trặc về kỹ thuật trong thời gian này, K.L. sẽ đổi chiếc máy khác.
Trong lĩnh vực kỹ thuật cao cấp này, chỉ dân trong nghề, tức người bán mới biết rõ nhất tình trạng kỹ thuật chiếc máy. Chính vì vậy, trong việc mua máy ảnh số second hand, việc lựa chọn không phải là chiếc máy, mà chính là lựa chọn người bán máy.
Theo Đặng Vỹ
VietnamNet