Một triệu đồng một bài hát: Bản quyền hay độc quyền?

(Dân trí) - Nếu một website nhạc trung bình chỉ 3 bài hát/ngày thôi, thì một năm cũng đã phải mất hơn 1 tỉ để trả cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Mức phí này sẽ dễ dàng bóp chết bất kỳ site âm nhạc nào ngay từ trong ý định thành lập...

Vừa qua, trên các trang tin điện tử đăng tải thông tin: “Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) vừa công bố mức phí bản quyền trên Internet”, với mức phí đưa ra là 1 triệu đồng/bản nhạc/năm.

Trái với thông lệ quốc tế

 

Chi tiết công bố từ phía Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV)

 

Công văn số 22/BQTG của Cục Bản quyền tác giả và công văn số 02/RIAV/08 của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã yêu cầu:

 

“Trong tháng 3, các website phải thanh toán tiền nhuận bút cho chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan. Mức giá bản quyền được RIAV đưa ra là 1 triệu đồng cho một bài hát trên một website, tính trong 1 năm.”

Nhạc sỹ Hạ Long - Trưởng phòng cấp phép của Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) cho biết: “Hiện nay mức thu trung bình về quyền tác giả của 1 bài hát được đưa lên website (không tải về) là 16,000 VNĐ/bài/tháng. Nghĩa là trong 1 năm (12 tháng), tác giả ca khúc sẽ nhận được khoảng 192,000 đồng. Nếu cho download thì cứ cộng thêm 300 đồng/1 bài.”

 

“Trên thế giới, theo biểu giá của Hiệp hội quy tắc (là hiệp hội bảo vệ quyền tác giả, cả phần nhạc và lời): tại bất cứ 1 nước nào, tỉ lệ % trong vấn đề quyền tác quyền và quyền liên quan, bao giờ người đẻ ra tác phẩm cũng phải là đối tượng được thu tiền bản quyền lớn nhất.

 

Tỉ lệ giữa mức bản quyền trả cho tác giả so với mức phí bản quyền trả cho bên liên quan thường là 6 phần rưỡi và 3 phần rưỡi.” Nghĩa là nếu tác giả được trả khoảng 192,000 đồng/bài/năm, thì bên liên quan có thể được trả mức tương ứng khoảng 104,000 đồng/bài/năm.”

 

Như vậy, nếu Hiệp hội CN ghi âm VN quyết định thu phí 1 triệu đồng, đây sẽ là mức giá chênh cao gấp 5 lần so với mức giá thực tế hiện nay mà “cha đẻ” của chính của sản phẩm âm nhạc đó được nhận cho quyền tác giả. Đây là một con số không thuyết phục và chưa phù hợp với những thông lệ hiện hành.

 

Về căn cứ dựa trên cơ sở pháp luật, luật sư Nguyễn Thanh Hà (luật sư về sở hữu trí tuệ, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: “Hiện tại, cách xây dựng bảng phí bản quyền của RIAV không dựa trên bất cứ một văn bản pháp luật có liên quan nào của Việt Nam.

 

Đây là cách xây dựng hoàn toàn dựa trên ý chí chủ quan của RIAV sau đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan trả phí bản quyền theo mức giá đó (mức 1 triệu đồng/bài/năm).”

 

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, nhạc sĩ Đoàn Bổng tuyên bố: “Nếu Hiệp hội ghi âm thu phí 1 triệu đồng/1 bài trả cho thành viên của họ, thì phải trả cho tác giả (là những người có công sức nhiều nhất trong việc tạo nên sản phẩm) 100 triệu đồng. Vì nếu không có chúng tôi, những nhạc sĩ sáng tác, thì lấy đâu ra ca khúc cho họ ghi âm.”

 

Cái chết được báo trước của các site nhạc?

 

Với mức giá 1 triệu, chúng ta dễ dàng tính được một con số không-thể-không-chú-ý. Nếu 1 website nhạc trung bình chỉ 3 bài hát/ngày thôi, thì một năm cũng đã phải mất hơn 1 tỉ để trả cho RIVA. Mức phí này sẽ dễ dàng bóp chết bất kỳ 1 site âm nhạc nào ngay từ trong ý định thành lập.

 

Bên cạnh đó, còn một thực tế mà chúng ta phải nhắc đến: ở Việt Nam từ trước đến nay, không có bất cứ một website âm nhạc nào thu tiền phí từ người nghe thông qua hình thức cho nghe trực tuyến và cho download. Đây là thực tiễn kinh doanh của thị trường âm nhạc Việt Nam.

 

Các website đăng nhạc trực tuyến thì không/chưa thu được đồng nào từ việc kinh doanh nhạc trên mạng từ phía người dùng, nhưng chắc chắn họ sẽ phải trả một mức phí đang được đánh giá là “quá cao và không khả thi”.

 

Phí quá cao sẽ giết chết nhạc đỏ, nhạc truyền thống!

 

 

Một triệu đồng một bài hát: Bản quyền hay độc quyền? - 1

Bà Bích Minh, trưởng phòng 
đối ngoại công ty VC Corp.

Bà Bích Minh, trưởng phòng  đối ngoại của công ty VC Corp, đơn vị sở hữu nhiều trang dịch vụ liên quan đến âm nhạc, khi đươc phỏng vấn về mức giá do RIAV ấn định đã khá thẳng thắn cho biết:

 

Với mức phí này, để đảm bảo tính hiệu quả thì các site nhạc sẽ phải cân nhắc việc loại những tác phẩm không thuộc dòng nhạc thị trường, các loại nhạc đỏ, nhạc truyền thống.., ưu tiên cho những tác phẩm đang “hot” trên thị trường.

 

Bà Minh cũng cho biết, trên thực tế, công ty của bà đã tích cực hợp tác và trả tiền bản quyền cho Hội Nhạc sĩ từ lâu, cho 2 sản phẩm là Baamboo và Ringtone, và hiện đang đàm phán cho một sản phẩm khác.

 

“Như vậy một tác phẩm thậm chí chúng tôi chấp nhận giả tiền tác quyền cho nhạc sĩ 3 lần khi dùng trên 3 sản phẩm khác nhau. Chúng tôi luôn có ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ cũng như đứng về phía các nhạc sĩ. Nhưng với mức phí mà RIAV đòi thì chúng tôi cũng đành chịu”.

 

Thực ra vấn đề bản quyền trên internet vốn là vấn đề mới và còn nhiều tranh cãi. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực internet để có thể tạo một hành lanh pháp lý vừa hợp với thông lệ quốc tế, vừa thuận lợi cho các bên liên quan thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực phí bản quyền.

Bảo Phương

Dòng sự kiện: Bản quyền