Một nghịch lý đau lòng trong ngành khoa học Việt

(Dân trí) - Hiện đang tồn tại một nghịch lý trong xã hội: Nhiều thuốc, thực phẩm biết chắc 100% là độc hại nhưng chưa xử lý được và cũng không tìm ra cách hữu hiệu để xử lý triệt để; trong khi đó, cây trồng biến đổi gen vô hại lại bị coi là vô cùng độc hại.

Đó là khẳng định của GS.TS. Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam tại Hội thảo khoa học: “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” vừa tổ chức sáng 26/9, tại Hà Nội.

Theo GS.TS Lê Đình Lương, về mặt tâm lý, khi nhắc đến cây trồng biển đổi gen (GM) thì người ta thường lo sợ. Mặc dù nỗi lo sợ này xuất phát từ Châu Âu, nhưng hiện nay lại đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam.

GS.TS. Lê Đình Lương,
Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam (Ảnh: T. Nguyên)
GS.TS. Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam (Ảnh: T. Nguyên)

“Trong khi có nhiều loại thuốc, thực phẩm mà người tiêu dùng biết rõ 100% là có hại nhưng người ta vẫn dùng, thì họ lại phản đối cây trồng GM và thực phẩm GM chỉ vì những nỗi sợ chưa có căn cứ,” GS. Lương nói.

Gần đây dư luận xôn xao khi thông tin hàng chục tấn dầu ăn tách ra từ nước cống đã được nhập vào nước ta hàng chục tấn, hiện nay chưa biết chắc chắn nằm ở đâu và xử lý như thế nào. Đã có công ty quảng cáo sản phẩm sữa đậu nành của họ là 100% không có sinh vật chuyển gen. Như vậy, sinh vật GM còn được dùng để quảng cáo ở Việt Nam.

Theo GS Lương, để xảy ra tình trạng lộn xộn trên là do nhiều nhà hoạch định chính sách và cả xã hội đều chưa hiểu rõ sinh vật biến đổi gen (GMO) là gì. Thực tế, GMO là sinh vật có một vài gen bị biến đổi bằng công nghệ hiện đại. Một vài gen này trước khi đưa vào sinh vật đã được các nhà khoa học nghiên cứu rất kỹ về các tác hại có thể có.

Những sản phẩm của “Cách mạng xanh” đã cứu hàng triệu người khỏi nạn đói, vì nó đã tạo ra được những giống cây trồng và vật nuôi có đặc điểm ưu việt so với những giống đang phổ biến. Ngày đó để lai tạo ra các giống mới họ phải tác động cùng một lúc vào hàng nghìn gen và hàng loạt tế bào. Cách mạng xanh xảy ra mấy chục năm mà không có một tác động xấu nào khi tác động đến hàng nghìn gen; trong khi GMO chỉ tác động đến một vài gen trong số hàng chục nghìn gen mỗi sinh vật có thể có với điều tra rất kỹ, loại bỏ mọi tai hại và chỉ sử dụng gen có lợi.

Mặc dù Châu Âu là ngọn nguồn của nỗi lo sợ ấy, nhưng giờ đây họ đã thay đổi.  Năm 2010, Châu Âu đã tài trợ cho 130 dự án với 500 nhóm nghiên cứu độc lập có 610 báo cáo về tác động của cây GM và đi đến kết luận rằng cây trồng GM là an toàn, thậm chí còn an toàn hơn cây trồng truyền thống vì không có cây trồng thông thường nào được kiểm tra về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

“Bản chất của phong trào chống GMO ở Châu Âu xuất phát từ lý do kinh tế, chính trị và xã hội. Khoa học của EU ko bằng của Mỹ, do vậy nếu đưa một tiến bộ khoa học vào châu Âu thì họ sẽ không thể cạnh tranh được,” GS. Lương nói.

Hơn nữa, bất kỳ công nghệ nào tạo ra những thay đổi có lợi cho nhóm này nhưng lại tạo bất lợi cho nhóm khác. Ví dụ, cây GM kháng sâu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty thuốc bảo vệ thực vật hay thực phẩm hữu cơ,… Một số nước châu Âu cũng không có nhu cầu tăng lương thực nên họ chỉ dùng 10% lương cho thực phẩm, trong khi đó, các nước phát triển dùng 80-90% lương cho lương thực và thực phẩm.

Gần đây EU cho phép các nước thành viên được trồng cây GM thay vì cấm như quyết định vào năm 2001.

Truyền thông đóng vai trò quyết định

“Truyền thông ở nhiều nước là quyền lực lớn thứ 4. Ở Việt Nam, quyền lực này còn lớn hơn, và điều này đi đôi với trách nhiệm nặng nề bởi nó quyết định sự tiến bộ của đất nước. Nếu truyền thông không đúng thì đất nước sẽ bi tụt lui và ảnh hưởng đến mấy chục triệu nông dân.”

GS.TS. Lê Đình Lương,
Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam (Ảnh: T. Nguyên)

Bộ NN&PTNT vừa cấp phép cho 4 giống ngô GM đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (Ảnh: V.D)

Từ năm 1996-2001, một nhà báo người Anh có tên Mark Lynas đã tích cực chống đối GMO. Chính anh đã tham gia vào nhiều hoạt động phá hủy cây GMO. Anh được đào tạo về chính trị và lịch sử, và đã đào tạo ra nhiều người lãnh đạo phong trào chống GMO.

Tuy nhiên, đầu 2000 anh cảm thấy có chút sai lầm sau khi đọc những bài tổng quan về GMO và khoa học nông nghiệp. Khi đó, anh đã khám phá ra hoạt động của mình tai hại ảnh hưởng đến tiến bộ khoa học, nay tích cực ủng hộ.

“Truyền thông đóng vai trò quyết định trong việc GM có được ứng dụng ở Việt hay không. Người nông dân quyết định trồng và bán GM nhưng người tiêu dùng mua thì sản phẩm đó không thể tồn tại. Việc cấp phép 4 giống cây GM ở Việt Nam là tin mừng nhưng chưa đủ để giải phóng cây GM khỏi “xiềng xích”. Nếu không giải phóng người dân khỏi nỗi sợ hãi thì cây GM không thể được ứng dụng ở Việt Nam,” GS Lương khẳng định.

Hiện nay, cây trồng GM đã được trồng phổ biến ở 29 quốc gia trên thế giới với tổng diện tích trên toàn cầu là hơn 175 triệu ha vào năm 2013, tăng 100 lần so với lần đầu tiên thương mại hóa cây trồng GM vào năm 1996.

PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Ảnh: T. Nguyên)
PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Ảnh: T. Nguyên)

“Người ta cứ nói bây giờ ở đâu cũng có cây GM và thực phẩm GM nhưng thực ra công nghệ GM không rẻ để mà sử dụng tràn làn như vậy,” PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. khẳng định.

TS. Lê Huy Hàm cũng khẳng định rằng thực tế đã chứng minh cây trồng GM mang lại hiệu quả và thực sự an toàn với sức khỏe con người. Các nhà khoa học đã ý thức được những "tác dụng phụ" có thể có từ cây GM như sâu "nhờn" gen kháng sâu, hay cỏ "nhờn" gen trừ cỏ,... và đã đề ra nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác để đảm bảo hiệu quả nhất.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy Vu trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý về cây trồng GM. Đến nay, nước ta đã có 3 luật liên quan, có Pháp lệnh cây trồng, 3 nghị định hướng dẫn và các bộ ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan đến vấn đề này.

Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT hoàn thiện thông tư về dán nhãn đối với cây trồng GM và bộ đang phối hợp với Bộ KHCN để hoàn thiện trong năm 2014.

Tranh cãi về cây trồng GM tồn tại ở nhiều nước chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT hoạt động với mục đích vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của người nông dân và an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy những quyết định vừa nêu được đưa ra dưới sự cân nhắc xem xet rất kỹ lưỡng sau khi tiếp thu các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, TS. Thủy cho biết.

Thảo Nguyên