MobiFone cấp hơn 90.000 đầu thu DVB-T2 cho dân nghèo Nam Định, Ninh Bình
Hơn 90.000 hộ dân nghèo, cận nghèo của hai tỉnh Ninh Bình, Nam Định được hỗ trợ hoàn thành việc lắp đặt đầu thu trước thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất khoảng 1 tháng…
Chương trình lắp đặt đầu thu thu truyền hình DVB-T2 của Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích nhằm hưởng ứng lộ trình tắt sóng truyền hình Analog - Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất của Chính phủ tại 15 tỉnh, trong đó MobiFone triển khai lắp đặt ở hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Ngay trong tháng 6-7/2017, MobiFone đã đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hơn 90.000 đầu thu số mặt đất cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Niềm vui của bà con khi có đầu thu truyền hình DVB-T2 mới
Những ngày này, nhiều người dân của hai xã Ninh An, Ninh Giang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vô cùng háo hức khi đội ngũ nhân viên lắp đặt của MobiFone đến từng hộ gia đình để lắp đặt đầu thu truyền hình DVB-T2. Như vậy, bà con ở hai xã trên vẫn được đảm bảo theo dõi truyền hình không bị đứt quãng trong thời gian tới khi việc tắt sóng truyền hình Analog được thực thi.
“Nhà tôi nghèo nên chỉ có mỗi phương tiện giải trí duy nhất sau những ngày lao động là xem tivi. Khi biết tắt sóng truyền hình, tôi buồn lắm vì đến tối đi làm về không còn chương trình phim hay giải trí để xem nữa. Nhưng giờ thì tốt rồi, MobiFone vừa đến lắp đặt đầu thu mới tận nhà. Cả gia đình ai cũng phấn khởi, nhất là bọn trẻ con trong nhà!”, Nguyễn Văn Hùng, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư vui mừng cho biết.
Còn chị Lê Thị Hoa, huyện Hoa Lư cũng cho biết: “Nghe thông tin tắt sóng truyền hình, nhiều hộ nông dân nghèo xã tôi lo lắm. Chiếc tivi là phương tiện duy nhất để chúng tôi xem các chương trình khuyến nông, thời tiết để phục vụ làm đồng, cấy hái. Nhưng được nhà nước và MobiFone hỗ trợ lắp đầu thu cho chúng tôi, xoá đi nỗi lo không được xem tivi của nông dân nghèo. Xin cảm ơn MobiFone!”.
Nam Định và Ninh Bình là 2 trong số 15 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (cùng với Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang).
“Về đích” trước thời hạn 1 tháng
Để người dân hai tỉnh Ninh Bình, Nam Định không bị “mất sóng” truyền hình, MobiFone đã triển khai chương trình, triển khai lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo của 374 xã thuộc 2 tỉnh với tổng số đầu thu tặng là 93.394 đầu thu. MobiFone đã lên kế hoạch, huy động cán bộ, nhân viên, thành lập 20 đội triển khai kế hoạch lắp đặt đầu thu cho người dân.
Bắt đầu từ ngày 17/6, 20 đội đã toả xuống các xã, phường triển khai làm thủ tục, lắp đặt cho người dân với tốc độ đặt ra là hoàn thành 1 xã, phường trong 1 ngày. 20 đội triển khai liên tục thường xuyên, mỗi đội sẽ triển khai chương trình tại 1 xã/ phường trong 1 ngày.
Trong ngày đầu ra quân, MobiFone đã cấp phát và lắp đặt thành công cho bà con tại 5 xã (2 xã thuộc tỉnh Ninh Bình và 3 xã thuộc tỉnh Nam Định), với tổng số 749 đầu thu.
“Chúng tôi thực hiện triển khai nhanh chóng, chạy đua với thời gian để bà con không bị mất sóng đúng thời điểm tắt sóng. Vì thế, cùng với việc triển khai 100% quân số xuống địa bàn tuyên truyền, làm thủ tục, xác định đúng đối tượng và triển khai lắp đặt đúng kỹ thuật đã được quán triệt. Tất cả các cán bộ, nhân viên đều vào cuộc với tinh thần rất cao, phấn đấu hoàn thành việc lắp đặt hơn 90.000 đầu thu cho bà con nghèo và cận nghèo 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình vào giữa tháng 7/2017”, đại điện MobiFone cho biết.
Theo kế hoạch điều chỉnh thời gian tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc nhóm II (nêu trên) của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tắt sóng truyền hình Analog tại Nam Định và Ninh Bình sẽ được tiến hành vào ngày 15/8.
Như vậy, việc triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình DVB-T2 của MobiFone tại Nam Định và Ninh Bình sẽ hoàn thành trước thời điểm tắt sóng khoảng 1 tháng, đảm bảo yêu cầu 100% các hộ gia đình nghèo, cận nghèo nhận được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất một cách đầy đủ trước khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.