Microsoft gây sốc, chi 68,7 tỷ USD thâu tóm hãng game Activision Blizzard
(Dân trí) - Microsoft đã khiến nhiều người bất ngờ khi chi ra số tiền khổng lồ, lên đến 68,7 tỷ USD, để mua lại hãng game Activision Blizzard.
Thông tin trên vừa được Microsoft chính thức công bố. Mức giá này tương đương với việc Microsoft sẽ trả 95 USD cho một cổ phiếu của Activision Blizzard, cao hơn nhiều so với mức giá 83 USD/cổ phiếu vào thời điểm thương vụ được công bố.
Giá cổ phiếu của Activision đã tăng thêm 27% sau khi Microsoft thông báo về thương vụ, còn giá cổ phiếu của Microsoft bị sụt giảm gần 1%.
Đây sẽ là thương vụ có giá trị lớn nhất từ trước đến nay của "gã khổng lồ phần mềm". Kỷ lục trước đây của hãng đó là khi Microsoft chi ra 26,2 tỷ USD để mua lại mạng xã hội chuyên gia LinkedIn vào năm 2016.
Activision Blizzard, hãng game có trụ sở tại thành phố Santa Monica (bang California, Mỹ), nổi tiếng với nhiều tựa game trên các nền tảng khác nhau, như Call of Duty, Diablo, World of WarCraft, StarCraft hay Candy Crush Saga… hiện hãng game này đang bị sa lầy vào nhiều vụ bê bối khi các nhân viên cũ cáo buộc về các hành vi sai trái và quấy rối tình dục của các giám đốc điều hành. Đầu tuần này, hàng chục giám đốc cao cấp của Activision đã bị sa thải sau một cuộc điều tra nội bộ.
Sau khi thương vụ với Microsoft kết thúc, CEO Bobby Kotick, người đang bị kêu gọi phải từ chức vì những vụ bê bối trong nội bộ công ty, vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ chức Giám đốc điều hành tại Activision Blizzard, nhưng nhiều khả năng Kotick sẽ rời bỏ vị trí của mình sau khi quá trình chuyển giao nhân sự giữa 2 công ty kết thúc.
Những năm qua, Microsoft trở nên tích cực hơn với lĩnh vực phát triển game. Năm 2014, hãng đã chi ra 2,5 tỷ USD để mua lại Mojang, nhà phát triển của tựa game Minecraft nổi tiếng. Vào năm ngoái, Microsoft cũng đã chi ra 7,5 tỷ USD để mua lại hãng phát triển trò chơi Bethesda.
Thương vụ thâu tóm Activision Blizzard cũng cho thấy tầm nhìn dài hạn của Microsoft để cạnh tranh với Meta (công ty mẹ của Facebook), nhằm tận dụng những công nghệ của Activision để xây dựng nên một vũ trụ ảo metaverse của riêng hãng. Trên thực tế, vài tháng trước khi Facebook quyết định đổi tên thành Meta và CEO Mark Zuckerberg của công ty thể hiện tham vọng xây dựng vũ trụ ảo metaverse, thì CEO Satya Nadella của Microsoft đã từng đề cập đến những giá trị của vũ trụ ảo metaverse.
Ngày nay, thế giới ảo đang được thống trị với những trò chơi, nhưng khi các "ông lớn công nghệ" đầu tư nghiêm túc hơn vào thị trường này, vũ trụ ảo sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho cuộc sống hàng ngày, phục vụ cho công việc và thay thế những hình thức giao tiếp truyền thống…
"Khi chúng tôi nghĩ về tầm nhìn của mình đối với tương lai của vũ trụ ảo metaverse, chúng tôi tin rằng sẽ không chỉ có một vũ trụ ảo metaverse tập trung duy nhất", CEO Satya Nadella chia sẻ sau khi thông báo về thương vụ trị giá 68,7 tỷ USD của Microsoft. Điều này đồng nghĩa với việc Nadella tin rằng mỗi hãng công nghệ có thể xây dựng một vũ trụ ảo cho riêng mình, thay vì chỉ một vũ trụ ảo tập trung, được điều khiển và chi phối bởi một công ty duy nhất.
Microsoft hy vọng thương vụ sẽ chính thức được hoàn tất vào năm tài khóa 2023, khi các cơ quan chức năng tại Mỹ chính thức thông qua thương vụ. Tuy nhiên, với những thương vụ có giá trị lớn như thế này, các cơ quan quản lý tại Mỹ sẽ giám sát một cách rất chặt chẽ và đánh giá kỹ càng để xem liệu thương vụ có làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường hay không. Nếu không được cơ quan chức năng chấp thuận, thương vụ trị giá gần 70 tỷ USD này vẫn sẽ bị đổ vỡ.
Theo CNBC/The Verge