Mẹo 5 giây giúp bạn nhận biết bóng đèn LED giả, kém chất lượng
(Dân trí) - Sử dụng đèn LED kém chất lượng không chỉ gây hại cho mắt do không đạt tiêu chuẩn về độ rọi, chỉ số hoàn màu, nhiệt độ màu,... mà còn dễ dàng bị hỏng sau một thời gian ngắn.
Mặc dù có chi phí mua cao hơn, song bóng đèn LED đang dần được sử dụng rộng rãi nhằm thay thế bóng đèn huỳnh quang và sợi đốt nhờ các ưu điểm như phát sáng tốt hơn, không gây hại cho mắt, tiết kiệm điện,...
Dẫu vậy, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đèn LED bán trôi nổi, nhập lậu, kém chất lượng. Sử dụng những bóng đèn loại này không chỉ gây hại cho mắt do không đạt tiêu chuẩn về độ rọi, chỉ số hoàn màu, nhiệt độ màu,... mà còn có thể bị hỏng sau khi sử dụng một thời gian ngắn, khiến bạn tiêu tốn thời gian và tiền bạc.
Không những thế, các loại đèn LED trôi nổi thường được quảng cáo với nhiều thông số “ảo” hấp dẫn, thu hút người dùng, được in ngay trên hộp của sản phẩm hoặc do người bán giới thiệu, như tuổi thọ từ 50.000 - 100.000 giờ, công suất cao, siêu tiết kiệm điện,... khiến người dùng “không biết đâu mà lần”.
Trong bài viết này, Dân trí sẽ hướng dẫn bạn đọc những cách cơ bản để nhận biết bóng đèn giả hoặc bóng đèn chất lượng chỉ bằng cách dùng tay và mắt thường.
Hộp đựng bóng đèn
Cách nhận biết cơ bản để nhận biết bóng đèn có chất lượng tốt hay dở tệ phụ thuộc nhiều vào bao bì, hay hộp đựng của sản phẩm.
Theo đó, bóng đèn tốt phải còn nguyên hộp, nhãn mác rõ ràng, không bị nhăn nheo hay có vết bẩn. Ngoài ra, bên trong hộp chứa bóng đèn cũng thường có tấm đỡ bằng bìa các tông để cố định bóng đèn trong lúc di chuyển. Trên hầu hết các bóng đèn LED chính hãng cũng thường có gắn tem kiểm định, tem chống hàng giả, và có đầy đủ bảo hành.
Người dùng tuyệt đối cần lưu ý không nên mua các bóng đèn rời mà không có hộp đựng, được đặt bên trong các bao giấy, bao nilon kém chỉn chu.
Độ hoàn thiện vỏ ngoài
Khi mở hộp để kiểm tra bên trong, cần chắc chắn bóng đèn được đặt ngay ngắn, không bị nghiêng. Lớp vỏ của đèn nếu bằng nhựa phải mịn màng, sáng bóng, không bị co móp. trày xước; hoặc nếu bằng kim loại phải còn nguyên lớp sơn, không bị bong tróc, oxi hoá.
Ngoài ra, các mấu nối, rãnh nối giữa các bộ phận cũng phải chặt chẽ, không bị hở, không lung lay hay lỏng lẻo.
Nhiệt độ khi đèn hoạt động
Một cách khá hiệu quả để phân biệt bóng đèn LED chất lượng tốt, đó là nhìn nhìn trực tiếp vào đèn trong khoảng 5 giây, chúng ta sẽ bị chói nhưng không có cảm giác nhức mắt.
Đó là vì các bóng đèn LED phổ biến hiện nay hầu như có chỉ số hoàn màu đạt khoảng 85 trở lên, giúp cho mắt người khi nhìn vào ánh sáng có cảm giác ấm, và không bị nhức.
Đồng thời khi bật đèn LED lên, loại đèn chất lượng cao thường không phát nhiệt ở đế. Nếu cảm giác bóng bật một lúc, sờ vào mà đã nóng rồi thì thường không phải là loại LED tốt vì vấn đề xử lý nhiệt trong bóng đèn LED là rất quan trọng và nó liên quan trực tiếp tới tuổi thọ bóng.
Khi đèn hoạt động phát ra âm thanh lạ
Âm thanh cũng là một yếu tố mà chúng ta có thể dựa vào để đánh giá chất lượng bóng đèn.
Theo đó, đèn LED chất lượng tốt sẽ không phát ra tiếng xung điện (hay còn gọi là tiếng buzz) giống như trên đèn huỳnh quang hay đèn compact. Bóng cũng sáng ngay tức thời, chứ không mất một khoảng thời gian từ 0.5 - 1s để khởi động.
Nếu như bóng đèn phát ra tiếng động lạ khi bật, rất có thể chúng có chất lượng kém và không nên chọn mua.
Dựa vào giá bán của bóng đèn
Mỗi đơn vị cung cấp sẽ có mức giá dành cho đèn LED khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, một bóng đèn LED dạng bulb sẽ có giá từ 30-40 ngàn đối với loại công suất 3W, còn dạng tuýp có giá 65- 70 ngàn đối với loại bằng thuỷ tinh, và 110 - 120 ngàn đối với loại nhôm nhựa.
Đối với đèn downlight (đèn gắn trần), mức giá thường cao hơn bóng thường, dao động từ 120 ngàn đồng đối với loại 5W. Các loại để trang trí ngoài trời, trang trí trong lễ hội, cũng có mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng.
Nếu như bạn tìm được những bóng đèn LED siêu rẻ, có giá chỉ vài ngàn đồng, hoặc thấp hơn nhiều so với mức giá tiêu chuẩn, thì đây rất có thể là những bóng kém chất lượng, xuất xứ không rõ ràng, hoặc đã qua sử dụng, được sửa chữa lại.
Trên đây là một số cách phân biệt bóng đền LED thật - giả cho bạn đọc không chuyên, nhưng vẫn có thể nhận biết bằng mắt thường và cảm nhận. Chúc bạn đọc tìm được sản phẩm tốt, đúng với nhu cầu sử dụng.
Nguyễn Nguyễn