Máy in 3D lắp ráp từ LEGO "độc nhất vô nhị"
(Dân trí) - Máy in 3D đang trở nên phổ biến, cho phép tạo ra đối tượng thực sự từ nhiều loại chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, chiếc máy in 3D được tạo nên từ các mảnh ghép LEGO do Arthur Sacek tạo ra là chiếc máy in độc đáo và ấn tượng nhất.
Từ những mảnh ghép của trò chơi LEGO nổi tiếng, Arthur Sacek đã tài tình tạo nên chiếc máy in 3D, với cả khả năng tạo ra các đối tượng 3D thực sự.
Arthur Sacek là thành viên của tổ chức phi chính phủ ZOOM Education for Life, 1 tổ chức tại Brazil, chuyên sử dụng trò chơi LEGO để tạo ra các giải pháp giáo dục và khuyến khích trí sáng tạo của trẻ em. Mọi bộ phận trên chiếc máy in 3D này đều được sử dụng từ các mảnh ghép LEGO, ngoại trừ cưa điện, bộ phận dùng để “khắc” hình trên đối tượng.
Nguyên liệu được sử dụng trong chiếc máy in 3D này là bọt biển. Các đối tượng cần in sẽ được tạo hình trên máy tính bằng phần mềm đồ họa, sau đó, dựa vào hình ảnh đồ họa, chiếc máy in sẽ sử dụng cưa điện để tạo hình trên bọt biển.
Sau khi hoàn tất quá trình tạo hình, những gì cần làm còn lại là sử dụng máy hút bụi hoặc máy sấy tóc để thổi sạch bụi còn mắc lại trên tấm bọt biển để cho ra kết quả cuối cùng.
Chiếc máy in thường mất gần 2 tiếng rưỡi để hoàn tất tác phẩm, và kết quả cho thấy thật ấn tượng. So sánh với hình ảnh đồ họa trên máy tính so với các tác phẩm được tạo ra từ chiếc máy in không hề có sự khác biệt.
Kết quả cuối cùng do chiếc máy in tạo ra giống với phiên bản đồ họa trên máy tính
Sacek cho biết mình chỉ là một lập trình viên “tập sự”, đã sử dụng Lego NXT, bộ công cụ lập trình dành cho trò chơi LEGO để sử dụng cho chiếc máy in 3D của mình. Anh đã phải lập trình phần mềm in ấn riêng để kết nối giữa PC và chiếc máy in.
Sacek cho biết anh sẽ hướng dẫn cách để tự tạo nên chiếc máy in 3D độc đáo này trong tương lai, và bật mí cách thức không hề phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ.
Video trình diễn khả năng ấn tượng của chiếc máy in 3D LEGO:
Đây không phải là lần đầu tiên 1 sản phẩm công nghệ được lắp ráp từ LEGO. Năm 1996, Sergey Brin và Larry Page, 2 nhà đồng sáng lập Google, khi đó đang là nghiên cứu sinh tại trường Đại Học Stanford đã cùng nhau tạo ra 1 chiếc máy chủ bằng các miếng ghép của LEGO. Chiếc máy chủ nổi tiếng sau này đã trở thành máy chủ đầu tiên của Google khi Brin và Page lập ra trang web tìm kiếm này.
Hiện chiếc máy chủ LEGO này đang được đặt trong phòng trưng bày của trường đại học Stanford.
Máy chủ lắp ráp từ LEGO của Google
Trước đó, Larry Page cũng đã tạo ra 1 chiếc máy in kim (máy in sử dụng kim để phun mực) cũng từ các miếng ghép LEGO.
Phạm Thế Quang Huy