Máy ảnh siêu mỏng: “sang” nhưng dễ “dở chứng”!

Đáp ứng triết lý “mỏng là sang”, các kiểu máy ảnh mỏng (quen gọi là slim) ngày càng rẻ, nhiều chủng loại. Nhưng, dần dần người ta ngộ ra, mỏng đi đôi với “bỏng”

Nhỏ gọn và thời trang

 

Cách đây vài năm, khi máy ảnh kỹ thuật số còn là mặt hàng cao cấp thì Casio đã tiên phong khi tung ra thị trường những model máy ảnh kỹ thuật số mỏng và thời trang (gọi tắt là dòng máy ảnh số slim). Chúng được khách hàng quan tâm vì những tiện ích và tính thời trang. Sau Casio là Minolta, rồi tới Sony, Nikon, Fuji, Olympus... lần lượt tung ra khá nhiều model máy ảnh mỏng, với kích thước chỉ bằng 1/2 gói thuốc lá bổ dọc, nặng khoảng 130 – 140 gr. Cũng như các dòng máy ảnh kỹ thuật số khác, giá của dòng máy này cũng down đáng kể so với chính nó vào thời điểm đầu tiên.

 

Nhưng, giá các loại máy ảnh slim vẫn còn khá cao so với những chiếc máy ảnh khác cùng tính năng, chất lượng. Hai loại máy ảnh slim của Casio là S500 giá 6,8 triệu đồng và S600 giá tới 7 triệu đồng/cái. Đông nhất trong tất cả các dòng máy slim hiện tại là các dòng máy của hãng Olympus. "Bình dân" nhất trong các model này là Olympus SP 700 có độ phân giải 6 megapixel giá 8,23 triệu đồng. Còn các dòng µ-720 với độ phân giải 7,1 megapixel giá 9,39 triệu đồng; µ-810 có độ phân giải 8 megapixel được báo giá 9,5 triệu đồng... Một nhân viên tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho biết, một thế mạnh của các dòng máy ảnh slim của Olympus đang được khách hàng, nhất là giới trẻ, chủ yếu là phái nữ lựa chọn, đó là các model trên có nhiều màu sắc quyến rũ như tím, hồng.

 

Sony cũng không thua kém các "đồng nghiệp" với các model T5, T7 và T9 với giá dao động từ 6,4 – 7,4 triệu đồng. Những dòng máy này đều có độ phân giải 6 megapixel. Không ít khách hàng thích chọn Sony vì giá mềm hơn các model của Olympus. Nikon cũng đang giới thiệu trên thị trường hai dòng máy ảnh slim là Nikon Coolpix S5 và Coolpix S6. Cả hai dòng máy này đều có chung độ phân giải là 6 megapixel, ống kính 35-105mm; giá của S5 là 7,7 triệu đồng, còn S6 là 8,7 triệu đồng. Rẻ hơn vì tên tuổi còn chưa lớn và máy có độ phân giải thấp là các dòng máy của các hãng Kodak và Panasonic như: Kodak C643 giá 4,9 triệu đồng, Panasonic DMC FX9 giá 4 triệu đồng.

 

Nhiều điểm yếu

 

Ai cũng công nhận là các dòng máy ảnh số slim có những đặc điểm: gọn, nhẹ, thời trang. Anh Trung, nhân viên kinh doanh của một cửa hàng máy ảnh Fujifilm cho biết, vì đặc điểm là thời trang nên khách hàng của các dòng máy slim chủ yếu là giới nữ.

 

Máy ảnh slim có những nhược điểm mà nhiều người sử dụng chưa quen cách khắc phục. Nếu chụp ban ngày khi ánh sáng đầy đủ và để máy ở chế độ tự động thì chất lượng ảnh của các dòng máy slim không thua kém gì các dòng máy ảnh khác. Nhưng khi chụp trong điều kiện cần có hỗ trợ của đèn flash thì chất lượng ảnh rất kém: hình hay bị nhoè.

 

Để khắc phục hiện tượng này, theo một chuyên viên kỹ thuật của công ty Tân Thịnh, đơn vị phân phối máy ảnh Canon, người chụp nên giữ chặt máy sau khi thấy đèn flash nháy lần 2 từ 2-3 giây vì đây mới là đèn flash đánh thật, còn lần 1 là chế độ chống mắt đỏ của chính đèn flash. Bên cạnh đó, vì mẫu mã của máy quá nhỏ nên hiệu ứng của đèn flash khá kém, chỉ có tác dụng trong phạm vi vài mét so với vị trí người chụp.

 

Một nhược điểm mà lâu nay chưa được các hãng khắc phục triệt để là chất lượng ống kính. Một nhân viên bán máy ảnh số slim thừa nhận: Hạn chế lớn nhất của các dòng máy slim là ống kính. Vì ống kính của máy slim nhỏ nên dễ gây ra hiện tượng bị kẹt ống kính. Mặt khác, vì quá nhỏ nên chỉ cần một lực tác động nhẹ vào ống kính cũng dễ làm ống kính "rụng". Trong thực tế, ống kính máy slim chưa thể thay thế được, chỉ cần hư ống kính đồng nghĩa phải mua máy mới!

 

Điểm yếu nữa của máy slim là pin. Pin của các loại máy này chủ yếu là pin đặc chủng. Do vậy, mỗi lần thay pin là tốn tiền triệu...

 

Theo Gia Vinh

Sài gòn tiếp thị