Lo sợ và tẩy chay game?

(Dân trí) - Game đã trở nên hấp dẫn với người dùng máy tính kể từ năm 2006, nhưng cũng kể từ khi ngành công nghiệp game đến thời hưng thịnh thì hàng loạt hệ lụy từ mặt trái của nó đã bộc lộ khiến xã hội lo lắng.

Cần hội đồng quản lý game giỏi

Trước những hệ lụy do game đem lại, tháng 7 vừa qua, Sở Thông tin &Truyền thông (TT-TT) TPHCM đã đưa ra văn bản về tiêu chí game bạo lực. Theo đó, việc phân loại các trò chơi trực tuyến dựa trên 3 nhóm tiêu chí với 6 mức độ bạo lực cơ bản. Tuy vậy, văn bản này đang vấp phải khá nhiều luồng quan điểm trái chiều. Trong khi đó, cho đến thời điểm này, tiêu chí để xác định game bạo lực hay không bạo lực vẫn chưa được xác định một cách cụ thể. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, thành viên Hội đồng Thẩm định game quốc gia thừa nhận: hiện chưa có một định nghĩa nhất quán và có cùng một cách hiểu cho khái niệm game bạo lực.

Ông Bình cũng cho rằng, hình ảnh gươm sắc, giáo dài trong chiến trận ở game cũng chưa hẳn đã là bạo lực. Bởi trên thực tế ngoài bạo lực mang tính cổ súy cái ác đáng bài trừ thì còn có bạo lực theo kiểu cái thiện diệt cái ác.

Cũng có ‎ý kiến cho rằng yếu tố bạo lực dễ thấy nhất trong một game đó chính là mặt hình ảnh và hiệu ứng của game chứ không phải dựa trên tiêu chí đối tượng bị giết, vũ khí sử dụng hay góc độ nhập vai của người chơi.

Lo sợ và tẩy chay game? - 1
Học sinh bỏ học chơi game là nỗi nhức nhối của nhiều gia đình. (Ảnh minh họa)
 
Nhiều ý kiến chuyên gia khác khẳng định, quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam có một Hội đồng thẩm định riêng để đưa ra những tiêu chí hoàn chỉnh và khả quan để áp dụng trong quá trình đánh giá game. Điều quan trọng là Hội đồng này phải là những người am hiểu về game video, game online thuộc các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ đảm nhiệm.

Có nên đổ mọi tội cho game?

Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội, nhận định, hiện tượng trẻ bỏ học để chơi game và dần hư hỏng ngày càng trở thành nỗi nhức nhối của nhiều gia đình. Tuy nhiên, cần công tâm nhìn nhận lại xem lỗi có hoàn toàn từ các trò game. Sâu xa hơn, chúng ta cần xem lại phương pháp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. "Đa phần những đứa trẻ ham mê trò chơi trực tuyến đều có học lực trung bình và căn nguyên có thể là bởi những bài giảng ở trên lớp chưa thực sự hấp dẫn chúng. Trong khi, những đứa trẻ được học có phương pháp, có ý thức bao giờ cũng ham mê học tập, chúng không còn thời gian cho việc chơi game" - GS Cương nhận xét

Đồng quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: không thể vì “một người có bệnh mà bắt cả làng uống thuốc”. Việc kiểm soát để không cho trẻ em, học sinh  quá đà vào việc chơi game ngoài biên pháp quản lý bằng giấy phép, còn cần đến cả các hình thức giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng... Theo bà Lan, không phải ai thích chơi game nào cũng hư hỏng, bất tài. Nhiều người lao động trí tuệ căng thẳng vẫn thích giải trí bằng các trò game lành mạnh, trong thời lượng thích hợp.

Các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này đưa ý kiến, ngoài việc đề ra các tiêu chí khoa học xét game thế nào là có tính bạo lực, cần phải đi kèm với các tiêu chí game rating. Đó là một thang mức độ tham khảo về tương quan giữa mức nội dung game và độ tuổi tối thiểu của người chơi. Mức độ này hoạt động dựa theo các nghiên cứu về tâm lý học và xã hội học với mục tiêu đánh giá thang nhận thức dựa theo độ tuổi trưởng thành của người chơi game. Rating cung cấp một bảng mẫu mức độ bạo lực nào sẽ phù hợp với độ tuổi nào vì về cơ bản, game là một dịch vụ giải trí dành cho mọi người từ 5 tuổi đến 100 tuổi. Hình thức kiểm soát này đã áp dụng thành công ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại buổi họp với các ban, ngành liên quan đến game online, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Doãn Hợp khẳng định, Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến được ban hành năm 2006 đã bộc lộ những bất cập. Vì thế, cho đến khi Quy chế mới quản lý trò chơi điện tử được Chính phủ thông qua và ban hành Bộ sẽ tạm ngừng cấp phép trò chơi trực tuyến mới đến hết năm 2010.

Vũ Quang