1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Lên chợ vùng biên tậu "alô" sành điệu!

"Muốn chơi điện thoại độc thì có gì khó, cứ lên chợ Móng Cái bảo thợ chế riêng một con, đảm bảo không đụng với ’hàng’ của ai cả", anh bạn công chức hỉ hả khoe với phóng viên sau chuyến đi nghỉ cùng gia đình tại vùng giáp biên phía bắc này....

"Mỗi cái giá hơn triệu, thích kiểu gì thợ nó cũng chiều tất. Làm việc ngay tại cửa hàng". Miệng nói, tay anh vung vẩy chiếc điện thoại bọc da mới tậu được trong chuyến đi.

 

Cách Hà Nội hơn 400 km về phía đông bắc, thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) vốn nổi tiếng là nơi du lịch với bãi tắm Trà Cổ. Theo lời của anh tài xế xe khách vui chuyện, ôtô từ thành phố Quảng Ninh lên Móng Cái chạy suốt ngày đêm. Vào mùa du lịch, cái thị xã giáp biên ấy nhộn nhịp chẳng kém gì những thành phố dưới xuôi. Khi được hỏi về hàng điện thoại tại đây, anh tài xế nói chắc "như đinh đóng cột": "Chia tất cả các cửa hàng buôn bán tại Móng Cái ra làm 3 phần, có 1 phần chỉ bán điện thoại và linh kiện điện thoại. Hai phần kia bán tất cả các hàng hóa khác".

 

"Anh lên đó mua điện thoại thì cứ vào thẳng chợ Vinh Cương. Ở đó có hàng nhà máy, tha hồ chọn. Đừng đi lang thang nhiều kẻo mua phải hàng vớ vẩn. Giá cả thì chẳng đắt rẻ hơn gì nhau đâu...", anh lái xe nhiệt tình tư vấn.

 

Chợ điện thoại không tên

 

"Chợ" Vinh Cương là khu thương mại nằm ngay cạnh chợ Trung tâm Móng Cái và cửa khẩu Ka Long, do doanh nhân Trung Quốc đầu tư xây dựng. Trước ảnh hưởng của "cơn lốc" điện thoại thương hiệu nhỏ từ nước bạn trong vài năm gần đây, thị xã giáp biên này trở thành nơi chào hàng của nhiều công ty sản xuất loại sản phẩm công nghệ này.

 

Các cửa hàng "điện tin" (điện thoại thông tin di động) mọc như nấm sau mưa dọc tuyến phố bao quanh khu thương mại, tạo thành một quần thể suốt ngày réo rắt tiếng nhạc chuông ĐTDĐ. Hầu hết chúng đều có chung đặc điểm: biển hiệu song ngữ Việt - Trung và sản phẩm chủ đạo đều do Trung Quốc sản xuất. Tại cửa hàng, ngoài ông chủ thường có 1 - 2 nhân viên bán hàng. Họ kiêm luôn cả việc phiên dịch tiếng Trung, kỹ thuật viên hướng dẫn cho người mua.

 

Lên chợ vùng biên tậu "alô" sành điệu! - 1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khác với "dưới xuôi", cửa hàng tại đây không dùng mô hình mẫu mà trưng bày toàn hàng thật lắp sẵn pin, đến khi đóng cửa hàng thì cho vào bao tải mang về. Người mua kẻ bán thường không hỏi tên hãng bởi quá nhiều, hầu hết được đặt nhại theo tên tuổi lớn. Khách chỉ việc ngắm mẫu, ưng cái nào thì bảo chủ hàng lấy ra và bật ngay lên để thưởng thức tính năng.

 

"Cứ cắm vừa là dùng được!"

 

Trong vai khách du lịch, phóng viên đến một cửa hàng, nói cần mua chiếc sạc điện cho chiếc Nokia N80 (loại sạc kim mới của Nokia). Cô nhân viên đòi xem máy như thế nào, sau đó cầm chiếc điện thoại  đưa lại cho ông chủ người Trung. Sau vài câu trao đổi, đích thân ông chủ đi cắm thử từng loại trong những búi xạc treo trên kệ cho đến khi tìm được chiếc cắm vừa.

 

PV đến một vài cửa hàng khác hỏi thử thì kịch bản trên vẫn lặp lại y nguyên, vẫn: hỏi máy loại gì, đi cắm thử từng loại..., ngay cả khi người mua đã bổ sung thêm các thông tin "sạc chân nhỏ", "sạc kim dùng cho máy Nokia"...

 

Kích thước và kiểu dáng khác nhau nhưng hầu hết điện thoại Trung Quốc đều sử dụng màn hình cảm ứng và có giao diện tiếng Việt, trừ một số loại siêu nhỏ. Trên màn hình, ngoài phần hiển thị đồ họa là một vài biểu tượng truy cập nhanh vào các tính năng soạn thảo tin nhắn, duyệt web, nghe nhạc,...

 

"Nồi lẩu" công nghệ cao bình dân

 

Người bán hàng giải thích vì tiếng Trung sử dụng chữ tượng hình, nên việc viết bằng bút dễ dàng hơn bấm phím. Mặt khác, "chấm chọt" lên màn hình cảm ứng cũng khiến sản phẩm mang vẻ hi-tech hơn. Vì thế, ngay cả những điện thoại màn hình nhỏ cũng được trang bị màn hình cảm ứng. Điều này khác với chuẩn màn cảm ứng có kích thước trên 2,5 inch của đa số hãng sản xuất điện thoại có tên tuổi.

 

Tuy có màn cảm ứng nhưng những chú dế Trung Hoa vẫn có bàn phím số khá giống nhau về mặt bố trí: các phím số từ 1 - 9 được cơ cấu vào bên phải thành một cụm, bên trái là phím điều khiển 5 chiều, phím gọi nghe, phím tắt bật máy và 2 phím "mềm" điều khiển chức năng. Cách bố trí như vậy đôi khi gây khó khăn vì tính năng mềm hiển thị tại góc phải dưới màn hình lệch hẳn so với phím.

 

Với số tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng, khách du lịch có thể tha hồ lựa chọn "dế" cho mình với tính năng: màn hình màu cảm ứng với giao diện tiếng Việt, nghe nhạc MP3, xem phim MP4 âm thanh nổi. Những mẫu điện thoại đắt tiền vừa mới tung ra đều có ngay phiên bản nhái như Nokia 8800, N95, O2,... .

 

Quả thật, chỉ cần khách mua "chịu chơi" một chút là có thể sở hữu một "chú dế" hoành tráng, kiểu dáng hầm hố, đủ cho cả... phố nghe nhạc. Ngoài ra, nó còn được  tích hợp nguyên cả một "nồi lẩu" các công nghệ hi-tech cho smartphone như màn hình cảm ứng, thẻ nhớ dữ liệu, camera quay phim, chụp hình từ 1,3 - 2 "chấm", xem video (được encode theo chuẩn riêng) trên ĐTDĐ.  

Nếu thêm khoảng 300 - 400 nghìn đồng, chiếc điện thoại của bạn sẽ có thêm cả tính năng xem TV analog truyền thống, cho phép xem truyền hình mà không cần tới antena, vô tuyến, cũng không phải trả cước thuê bao tháng cho nhà cung cấp nội dung truyền hình di động nào.

Theo Hưng Hải
Vietnamnet