Làng công nghệ thế giới điêu đứng vì động đất Nhật Bản
(Dân trí) - Các công ty công nghệ toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với chi phí linh kiện đắt đỏ hơn và cả tình trạng thiếu hụt sản phẩm trong những tuần tiếp theo sau khi thảm họa động đất kèm sóng thần xảy ra mấy ngày vừa qua tại Nhật Bản.
Thảm họa lớn nhất tại Nhật Bản trong suốt 140 năm qua đã phá hủy các mạng lưới cung ứng và dây chuyền sản xuất, năng lượng của nước này.
Giới công nghệ sẽ bị thiếu hụt trầm trọng các linh kiện như chip bộ nhớ và màn hình tinh thể lỏng sử dụng trong hàng loạt thiết bị điện tử tiêu dùng khác nhau từ điện thoại smartphone cho tới TV.
Một số hãng sản xuất công nghệ Nhật Bản bao gồm cả Sony, Panasonic và Fujitsu trong mấy ngày gần đây đã tuyên bố đóng cửa hàng loạt các nhà máy. Trong khi đó việc đánh giá những thiệt hại của các hãng này và quan trọng hơn cả là sự cố mất điện trầm trọng trên toàn đất nước Nhật Bản được dự kiến sẽ kéo dài tới vài tuần.
Toshiba là một đối tác chính cung ứng chip bộ nhớ flash NAND cho Apple để sử dụng trong điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Thị trường dành cho chip flash NAND đã có những “cú hích” mạnh mẽ trong năm nay khi nhiều hãng công nghệ toàn cầu thi nhau trình làng sản phẩm máy tính bảng nhằm cạnh tranh với chiếc iPad đình đám của Apple.
Mức giá của loại chip flash NAND 32 Gigabit được sử dụng rộng rãi (thường được sử dụng trong smartphone và tablet để lưu trữ dữ liệu) đã tăng lên mức 17,7% tại thị trường châu Á vào hôm qua (14/3), theo hãng nghiên cứu thị trường DRAMeXchange. Con số này đang phản ánh những mối lo ngại rằng sự thiếu hụt nguồn cung ứng linh kiện toàn cầu đã lờ mờ hiện ra trước mắt.
“Các nhà cung cấp có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng linh kiện, phân phối và vận chuyển sản phẩm ra các thị trường bên ngoài. Điều này có thể gây ra một số gián đoạn trong việc cung ứng chất bán dẫn từ Nhật Bản trong hai tuần tới”, hãng nghiên cứu iSuppli cho biết.
Hãng iSuppli cho biết các công ty Nhật Bản đã đóng góp 63,3 tỷ USD vào doanh thu microchip trong năm 2010, chiếm 21% thị trường thế giới.
Cuối tuần qua, Toshiba tuyên bố một nhà máy chip đặt tại tỉnh Iwate, nơi bị tàn phá nặng nề bởi động đất và sóng thần đã phải tạm ngừng hoạt động để đánh giá tình hình. Hôm qua, Toshiba cho biết nhà máy này không chịu nhiều thiệt hại đáng kể nhưng không chắc liệu khi nào nhà máy có thể tiếp tục sản xuất.
Toshiba cũng khẳng định các hoạt động tại nhà máy Hiroshima của hãng vẫn “bình thường” và các tấm silicon wafer - loại vật liệu được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn – đã không bị vỡ bởi trận động đất.
Trong khi đó, Samsung cho hay hãng không có bất cứ nhà máy sản xuất linh kiện chính nào tại Nhật Bản và vẫn đang theo dõi sát sao tình hình. Hãng công nghệ Hàn Quốc cuối tuần qua cho biết trận động đất ở đông bắc Nhật Bản đã ảnh hưởng đến các địa điểm sản xuất màn hình tinh thể lỏng và chất bán dẫn của hãng tại Hàn Quốc, làm “đóng băng” một số dây chuyển sản xuất khoảng hai tiếng đồng hồ vào ngày xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, Samsung tuyên bố trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản sẽ có tác động rất ít hoặc không có tác động nào thêm đối với nhà máy này.
Các hãng sản xuất chip bán dẫn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing và United Microelectronics cho biết trận động đất ở Nhật Bản sẽ không ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên vật liệu của họ trong thời gian tới.
AU Optronics, hãng cung ứng LCD lớn nhất của Đài Loan cho biết hãng đã đóng cửa nhà máy sản xuất solar-wafer tại Sendai, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất hôm thứ 6 tuần trước.
Võ Hiền
Theo Wall StreetJournal