Làn sóng "người cao tuổi kỹ thuật số" bùng nổ ở châu Á
(Dân trí) - Theo một báo cáo Euromonitor International, ngày càng có nhiều người cao tuổi tại châu Á sử dụng mạng xã hội, tham gia các trò chơi trực tuyến và những dịch vụ Internet khác.
Cụ thể, một nửa số người tham gia khảo sát từ 60 tuổi trở lên, sinh sống ở châu Á - Thái Bình Dương, sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày. Con số này cao hơn 28% so với châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ. Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
Khoảng 10% người cao tuổi tham gia khảo sát cho biết họ có sở hữu kính thực tế ảo. Những thiết bị này sẽ cho phép họ có thể khám phá metaverse (vũ trụ ảo), thứ được kỳ vọng sẽ trở thành giai đoạn tiếp theo của Internet. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Bắc Mỹ và châu Âu chỉ khoảng 2%.
Những dữ liệu này chỉ ra rằng người cao tuổi ở châu Á am hiểu về công nghệ hơn so với các châu lục khác.
Trao đổi với Nikkei Asia, Pechara Voracharusrungsri, một cụ bà 70 tuổi sống ở Bangkok, Thái Lan, cho biết bà thường sử dụng Facebook và Line để mua sắm trực tuyến nhiều lần trong tháng. Trong khi đó, điều này chỉ diễn ra vài lần một năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Gần đây, bà đã chuyển qua sử dụng ứng dụng Line để mua bánh trái cây từ một cửa hàng mà bà yêu thích. Bà chủ yếu sử dụng các nền tảng mạng xã hội để mua sắm.
Theo Nikkei Asia, một trong những yếu tố khiến gia tăng lượng người cao tuổi sử dụng công nghệ, hay còn gọi là "người cao tuổi kỹ thuật số", ở châu Á là do văn hóa gia đình đa hệ.
Theo thống kê từ Liên hợp quốc, phần lớn người cao tuổi ở châu Âu và Bắc Mỹ sống một mình hoặc chỉ sống với vợ hoặc chồng. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình ở châu Á sẽ sống chung với ông bà.
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho thời gian mà cả gia đình ở nhà tăng lên. Từ đó, nhiều người già có cơ hội để học cách sử dụng các ứng dụng, công nghệ và các nền tảng mạng xã hội từ con cháu của họ.
"Các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là những nền tảng cho phép chủ sở hữu nội dung tạo cộng đồng của riêng họ như YouTube, WeChat và Instagram, được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến ở châu Á trong tương lai gần", Natasha Cazin, chuyên gia tại Euromonitor nhận định.
Không ít người cao tuổi am hiểu về thế giới số còn trở thành những người có sức ảnh hưởng. Ví dụ, bà Park Mak-rye, được biết đến với biệt danh "Korea Grandma", đã sở hữu tới 1,35 triệu người đăng ký kênh YouTube của mình.
Euromonitor ước tính số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2040, đạt 767 triệu người. Làn sóng "người cao tuổi kỹ thuật số" này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều dịch vụ mới dành riêng cho người cao tuổi.