Lại “nóng” vụ Google số hóa sách
(Dân trí) - Tranh cãi xung quanh dự án số hóa sách của Google lại tiếp tục căng thẳng trong những ngày gần đây. EU “hỏi cung” về bản quyền, Mỹ “ép” bảo vệ thông tin riêng tư, còn Google ra sức “chống chế” bằng “luận điểm”: số hóa sách giúp web “dân chủ hơn”.
Hôm qua, 8/9, Google bảo vệ dự án số hóa hàng triệu cuốn sách trên khắp thế giới (cả ở Việt Nam) và xuất bản chúng trên Internet, nói rằng dự án khiến cho việc tìm kiếm thông tin trên web được “dân chủ hóa”.
Hồi đầu năm, gã khổng lồ tìm kiếm đã đạt được thỏa thuận với các tác giả và nhóm các nhà xuất bản ở Mỹ, cho phép hãng số hóa sách để đưa lên mạng Internet.
Nhưng sau đó, bản thỏa thuận đã bị phê phán và bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp Mỹ vì không hề đả động gì đến việc Google sẽ trả tiền cho các đối tác.
Dan Clancy, “cha đẻ” dự án số hóa sách của Google, nói trong một phiên điều trần tại Ủy ban Châu Âu (cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu), rằng hãng chỉ muốn giúp người lướt web có thể dễ dàng tìm kiếm những cuốn sách không được in xuất bản.
“Chúng tôi đã nhận thấy sự “dân chủ hóa” trong việc tìm kiếm thông tin trực tuyến”, Clancy, giám đốc kỹ thuật của dự án Google Book Search, nói trong phiên điều trần.
“Nhờ nó, bạn có thể khám phá ra những thông tin mà bạn không hề biết nó tồn tại”, ông nói. “Điều quan trọng là những cuốn sách chưa được in xuất bản sẽ không bị bỏ rơi. Mong muốn của Google là giúp mọi người tìm thấy chúng”.
EU từng tuyên bố sẽ xem xét thỏa thuận của Google ở Mỹ, sau khi Đức cho biết gã khổng lồ tìm kiếm đã số hóa sách (của Đức) trong các thư viện ở Mỹ mà không hỏi ý kiến tác giả.
Bản quyền không được tôn trọng
Ủy ban Châu Âu đang xem xét xem nên đối phó theo cách nào với dự án số hóa sách của Google.
Bà Viviane Reding, Cao ủy phụ trách thông tin-truyền thông của Liên minh châu Âu, cho biết sẽ hành động dựa trên các luật về bản quyền.
EU đã từng đưa ra chính sách trực tuyến riêng có tên “Europeana”, cho phép đăng ký bản quyền và xuất bản một phạm vi nội dung rộng lớn, từ sách của William Shakespeare cho đến ảnh của nữ diễn viên Pháp Brigitte Bardot.
Nhưng hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu tỏ ra chậm chạp trong việc số hóa để xuất bản trực tuyến các tác phẩm văn học cho dự án Europeana. Bà Reding hy vọng những kế hoạch như của Google sẽ thúc giục các nước đăng ký sớm hơn.
Quyết định cho phép Google xây dựng một thư viện lưu trữ hơn 10 triệu cuốn sách đã được số hóa gặp phải nhiều ý kiến trái chiều trên khắp thế giới.
“Dự án chỉ có ý nghĩa cho những cuốn sách không được in xuất bản” - nhận xét của James Gleick, một nhà văn từng kiện Google nhưng sau đó đã đồng ý cho hãng này số hóa những cuốn sách cũ và xuất bản chúng trên Internet.
“Đối với tác giả của những cuốn sách không được in xuất bản, dự án giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn”, ông nói trong phiên điều trần Google.
Những người khác tỏ ra nghi ngờ hơn. ICOMP, một nhóm vận động hành lang được đỡ đầu bởi gã khổng lồ phần mềm Microsoft, cho biết dự án không nằm ngoài tham vọng tập hợp nhiều quyền lực hơn cho Google.
David Wood, luật sư đang làm việc cho ICOMP, quả quyết với các phóng viên tại phiên điều trần rằng Google sẽ tạo ra một “sự độc quyền vĩnh viễn” trong việc cung cấp sách trực tuyến.
Quyền riêng tư có thể bị xâm phạm
Dự án xây dựng một thư viện sách điện tử của Google đã phải ngưng lại bởi một vụ kiện xâm phạm bản quyền vào năm 2005 được thực hiện bởi Hội Tác giả và các nhà xuất bản.
Một tòa án ở New York sẽ tổ chức phiên điều trần để dàn xếp vụ này vào ngày 7/10 tới đây. Hướng giải quyết được xem xét trên nhiều góc độ, một trong số đó liên quan tới quyền riêng tư của những người đọc sách thông qua Google có thể bị xâm phạm.
Trong một bức thư gửi tới Google đề ngày 3/9, FTC thúc giục Google xây dựng một chính sách bảo vệ riêng tư với trọng tâm là “hạn chế sử dụng lại các dữ liệu thu thập được thông qua dự án Google Books, kể cả khi người sử dụng đã đồng ý”.
“Chúng tôi đồng ý rằng điều quan trọng là Google cần phải xây dựng một chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, đặc biệt ở dự án Google Books, để áp dụng cho các dịch vụ hiện có”, David Vladeck, giám đốc Văn phòng Bảo vệ Người tiêu dùng (thuộc FTC), cho biết.
“Google phải quy định rõ các cam kết bảo vệ quyền riêng tư trong tính năng và dịch vụ sẽ có trong tương lai, và bảo đảm các cam kết đã có tiếp tục được thực hiện”, ông nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố cá nhân, chủ tịch FTC Jon Leibowitz nói cơ quan của ông sẽ gây sức ép để thông tin cá nhân của người sử dụng được bảo vệ.
“Dự án Google Book có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, nhưng nó cũng đặt ra thách thức nghiêm trọng về quyền riêng tư bởi lượng thông tin người sử dụng thu thập được từ đây rất lớn”, ông nói.
Như một phần nỗ lực dàn xếp vụ kiện xâm phạm bản quyền, Google đã đồng ý chi 125 triệu USD để lập ra Book Rights Registry, nơi các tác giả và nhà xuất bản có thể đăng ký hoạt động và nhận bồi thường bản quyền.
Các tác giả chỉ còn thời hạn chót đến cuối tuần này để quyết định có đồng ý theo hướng giải quyết của Google hay không.
Tổng hợp