Lại “nóng” chuyện 3G
(Dân trí) - “Cuộc chiến” công nghệ 3G sắp diễn ra tại Việt Nam tiếp tục là tâm điểm được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2009 vừa khai mạc sáng qua, 20/5 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Xây dựng một tương lai di động và băng rộng bền vững cho Việt Nam”, hội nghị lần thứ hai này đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại biểu đến từ các Bộ, Ngành trung ương, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết: Trong những năm qua Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghệ viễn thông cao trên thế giới. Tính đến hết năm 2008, cả nước có trên 82,2 triệu thuê bao điện thoại các loại gồm: 16,2 triệu thuê bao cố định (tăng gấp 6 lần so với năm 2000); 66 triệu thuê bao di động (tăng hơn 80 lần) và trên 22 triệu thuê bao internet (tăng 100 lần). Mật độ điện thoại đã đạt 97,5 máy/100 dân, tăng 27 lần.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thị trường viễn thông 2G tại Việt Nam đã đến thời điểm bão hoà. Nếu không có một cuộc cách mạng mới, thị trường này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái. Vì vậy, 3G là thời điểm thích hợp để bùng nổ.
Chủ đề làm cách nào triển khai hiệu quả 3G tại Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của đông đảo đại biểu tham dự. Đặc biệt là phía nhà cung cấp Vinaphone - một trong 4 đơn vị trúng thầu sẽ triển khai mạng 3G vào cuối năm nay.
Bà Karine Dussert - Sarthe, Giám đốc Marketing di động của Tập đoàn Orange France Telecom tại Pháp đồng thời cũng là người kiểm soát việc ra mắt 3G đầu tiên tại nước này năm 2004, đã chia sẻ với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam công thức triển khai 3G hiệu quả được đúc rút từ chính kinh nghiệm của Orange France Telecom.
Đại diện của Telecom Malaysia đưa ra những cảnh báo, nếu không có những đột phá trong các dịch vụ nội dung và những chiến dịch tiếp thị tốt, 3G có thể sẽ gánh chịu thất bại. Bởi tâm lý người sử dụng đa số vẫn chưa sẵn sàng để cho trả một khoản tiền khá lớn cho những thiết bị đầu cuối hiện đại và những thay đổi trong việc sử dụng công nghệ số.