Kinh nghiệm mua máy tính xách tay cũ

(Dân trí) - Với số tiền từ 5 đến 10 triệu trong tay hiện nay bạn có thể sở hữu được một chiếc laptop cũ xài tạm được rồi. Thế nhưng mua hàng cũ cực kỳ rủi ro nếu như chúng ta không biết cách chọn lựa chúng.

Những chiếc máy tính xách tay cũ được bày bán trên thị trường hiện nay là hàng được nhập về từ rất nhiều nguồn khác nhau. Trong đó đa số được nhập từ Mỹ và Trung Quốc với các thương hiệu như IBM, DELL, TOSHIBA, ACER, SONY, COMPACT… Thường chúng có cấu hình chủ yếu là Pentium®, PIII, PIV, CELERON, lâu lâu có cả CENTINO PENTIUM(M), tốc độ CPU từ 750 MHz đến 1,73 GHz. Ổ cứng lưu trữ có dung lượng từ 20GB đến 60GB, Ram 256MB đến 1GB.

Những máy này được bày bán khá nhiều ở các cửa hàng kinh doanh máy tính xách tay. Chất lượng thường được các chủ cửa hàng cam kết là mới 80% - 90% và khách hàng khi mua máy được bảo hành từ 1 đến 3 tháng. Giá dao động từ 270 USD đến 700 USD. Tuy nhiên nếu không kiểm tra kỹ khi mua chúng ta rất dễ bị mắc phải những rủi ro khi mà máy hết hạn bảo hành.

 

1. Màn hình

 

Độ sáng tối của màn hình là một yếu tố quan trọng bởi nếu như nó không rõ hay chập chờn thì nguyên nhân là do đèn màn hình. Để ý kỹ ở 4 góc màn hình của máy xem có mờ không, nếu có thì đèn màn hình của máy đã bị yếu đi. 

 

Có một lỗi mà màn hình hay mắc phải nữa dó là tình trạng màn hình không ổn định, có khi liên tục bị chập chờn. Thường nguyên nhân này chúng ta rất dễ nhận thấy khi mua nhưng có đôi lúc bằng thủ thuật đơn giản người bán đã làm cho nó không thể hiện rõ ra. Lỗi này chính là do cáp nối màn hình với board có vấn đề.

 

2. Chuột và bàn phím

 

Để kiểm tra bàn phím và chuột chúng ta có thể sử dụng nhiều chương trình khác nhau trong đó cách đơn giản nhất là dùng các chương trình soạn thảo văn bản như MS Word, WordPad, Notepad. Mở các chương trình này ra và chúng ta lần lượt gõ tất cả các phím coi nó còn hoạt động tốt không và coi độ nhạy ra sao.

 

Chuột máy tính xách tay thường được thiết kế sẵn trên máy. Có những dòng máy thì thường dùng chuột điều khiển bằng nút, một số dòng máy dùng chuột cảm ứng bằng tay. Để kiểm tra chúng ta nên dùng tay rê qua rê lại chuột  xem nó di chuyển tốt không, nếu không tốt thì không nên mua những loại máy như thế.

 

Kinh nghiệm mua máy tính xách tay cũ  - 1

 Bảng giá một số model laptop cũ tại thị trường TPHCM

 

3. Ổ cứng

 

Đây là phần quan trọng của máy, để kiểm tra ổ cứng chúng ta cho chạy chương trình Scandisk, một tiện ích có sẵn trong Windows coi có bị lỗi không. Một cách nữa là dùng chương trình HDD Regenerator để chạy kiểm tra thử xem ổ cứng có bị Badsector hay không, thường thì chương trình này chạy rất lâu nhưng đây lại là một cách kiểm tra ổ cứng hiệu quả nhất hiện nay.

 

5. Ổ CD /DVD

 

Thật ra CD/DVD của các máy cũ chất lượng thường theo kiểu hên xui, có thể gặp cái đọc đĩa rất tốt nhưng cũng có thể gặp cái rất kén đĩa. Để kiểm tra chúng ta nên bỏ một chiếc đĩa CD ROM vào cho chạy thử.

 

6. Kiểm tra CPU, Bo mạch chủ, Ram.

 

Để kiểm tra những bộ phận này chúng ta nên dùng chương trình CPU-Z có thể download tại đây. Đây là một chương trình hoàn toàn miễn phí và dung lượng nhỏ (file nén khoảng 489KB). Khi tải về chúng ta giải nén và chương trình tự chạy để kiểm tra tốc độ CPU, nhãn hiệu, bus,…Mainboard thuộc hãng nào, bộ nhớ Ram của máy bao nhiêu…

 

7. Các cổng cắm USB, thẻ nhớ, card ngoài 

 

Việc kiểm tra những thiết bị này cũng rất quan trọng, đặc biệt là các cổng USB và các khe cắm card ngoài. Thường các máy cũ rất hay bị hư các cổng cắm này cho nên tốt nhất là hãy kiểm tra thật kỹ trước khi quyết định mua chúng.

 

Nếu như bạn không tự tin về cách lựa chọn của mình thì tốt nhất là nên nhờ một người am hiểu về máy tính xách tay đi xem hộ. Còn trường hợp nếu bạn tự mình mua thì nên chuẩn bị các phần mềm kèm theo như đĩa Hiren’s Boot, USB chứa chương trình CPU-Z,…, để có thể đảm bảo lựa chọn của mình là tốt nhất.

 

Lê Mỹ