Kịch bản nào cho mạng di động nhỏ?

Câu chuyện sáp nhập các mạng di động đã xảy ra trên thị trường di động Việt Nam. Thế “chân vạc” mà người ta mường tượng ra từ vài năm trước giờ đang dần hình thành. Vậy các mạng nhỏ sẽ đi đâu về đâu?

Thị trường di động sắp bão hòa

 

Trên thực tế, thị trường di động Việt Nam đang chia ra làm 2 phe. Phe thứ nhất là 3 "đại gia" Viettel, MobiFone và VinaPhone. Thứ hai, là các mạng S-Fone, Gtel và Vietnamobile. Trong khi đó, sức mạnh của các mạng di động này chênh lệch nhau quá lớn. 3 mạng di động lớn đang chiếm khoảng trên 90% thị phần. Những cuộc tổng tấn công của các mạng nhỏ bằng những gói cước siêu rẻ trên thị trường vừa qua như gói cước tỷ phú của Beeline được xem như là “đấm vào bị bông”. Các thuê bao không vì thế mà chuyển sang mạng nhỏ. Các mạng nhỏ vẫn đang gồng mình trong trận chiến cạnh tranh với mạng lớn và tình hình có vẻ không khả quan lắm đối với những mạng nhỏ.

 

Hiện thị trường di động đã cơ bản được phân chia xong. Viettel chiếm vị thế thượng phong, kế đến là MobiFone và VinaPhone. Những động thái trên thị trường gần đây cho thấy thuê bao đã gần đến ngưỡng bão hòa. Tổng số thuê bao điện thoại các loại trên toàn mạng của Việt Nam gồm cả thuê bao đăng ký và đang hoạt động đến hết tháng 5/2012 là 132,8 triệu thuê bao, trong đó di động là 122,79 triệu thuê bao chiếm tới 92,5%. Như vậy, bình quân mỗi người dân Việt Nam sở hữu tới 1,5 thuê bao điện thoại di động. Đây là tỷ lệ tương đối lớn so với các nước trên thế giới. Các mạng di động cho biết, trong 6 tháng đầu năm, số thuê bao di động đã bắt đầu chững lại, điều này cho thấy thị trường đang chuẩn bị cho ngưỡng bão hòa. Theo thống kê của các mạng, hiện có khoảng vài triệu khách hàng thường xuyên "thay nhà mạng như thay áo" để hưởng những chương trình khuyến mãi. Số khách hàng này thực chất chỉ làm gia tăng số thuê bao ảo cho các mạng chứ không đem lại lợi nhuận.
 
Những gói cước tỷ phú của Beeline không đủ sức kéo khách hàng các mạng khác về với mình.
Những gói cước tỷ phú của Beeline không đủ sức "kéo" khách hàng các mạng khác về với mình.

 

Sẽ thêm mạng di động “ra đi”

 

Sau khi EVN Telecom không còn nữa, một câu hỏi được đặt ra là các mạng nhỏ sẽ đi về đâu?

 

S-Fone, cái tên liên tục được truyền thông nhắc đến trong thời gian gần đây đang loay hoay trong cơn bĩ cực. Cắt giảm lao động, chuyển đổi công nghệ, thu hẹp vùng phủ sóng, khách hàng ra đi, nợ nần chồng chất đang là tình cảnh của S-Fone hiện nay. S-Fone rất cần tiền để đầu tư lúc này nhưng đó là câu chuyện quá khó khăn! Hiện chưa thấy hướng đi nào sáng sủa cho S-Fone ở thời điểm này. Một kịch bản được xem như là không có thực ở thì tương lai là S-Fone có đủ tiền đầu tư mạng mới không và liệu mạng này có lấy được vị thế như trước đây hay không? Câu trả lời sẽ là không khả thi khi thị trường đang sắp bão hòa, việc tái khởi động đầu tư để hút lại thuê bao là vô cùng nan giải. Chưa kể đến niềm tin của khách hàng vào mạng S-Fone đang bị "rơi rụng". Thêm vào đó, những khó khăn trong việc xây dựng lắp đặt các trạm BTS khiến cho nhiều mạng có tiền cũng khó đầu tư được. Tóm lại, trong số các mạng di động nhỏ xem ra S-Fone đang rơi vào tình trạng bi đát nhất.

 

Trái ngược với S-Fone, Beeline đang là cái tên ít được truyền thông nhắc đến hiện nay. Ngày 23/4, VimpelCom tuyên bố đã ký thỏa thuận bán lại toàn bộ 49% cổ phần của họ tại GTel Mobile - công ty cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam. Theo các điều khoản của thỏa thuận, đối tác sẽ trả bằng tiền mặt với giá trị 45 triệu USD. Sau khi hoàn tất việc mua bán, VimpelCom không còn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nghiệm đối với GTel Mobile. Ngoài ra, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ ngày chuyển giao. Nhiều ý kiến cho rằng mức giá 45 triệu USD mà GTel mua 49% cổ phần của Beeline là mức giá quá hời. Chỉ phải bỏ ra chưa đầy 1.000 tỷ đồng, GTel đã có trọn Beeline. Để xây dựng được 1 mạng di động tại Việt Nam, số tiền được nói tới phải là con số cả tỷ USD. Động thái của VimpelCom được xem như hành động cắt lỗ trong dự án Beeline tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ VimpelCom không còn nhìn thấy cơ hội và buộc phải bán rẻ cổ phần của mình nếu không muốn tiếp tục “sa lầy” vào dự án Beeline ở Việt Nam.

 

Sau thương vụ mua bán này Gtel vẫn “im hơi lặng tiếng”. Hiện tất cả các thộng tin về mạng này như chiến lược kinh doanh, thương hiệu mới sẽ như thế nào khi Gtel nắm 100% cổ phần của Beeline đang “nằm trong vòng bí mật”. Khác với khó khăn mà S-Fone đang vướng vào là kinh phí đầu tư thì Beeline lại gặp trở ngại về tài nguyên băng tần. Băng tần mà Beeline được cấp chỉ phù hợp với vùng đô thị và nếu đầu tư toàn quốc sẽ ngốn khoản chi phí khổng lồ. Điều này khiến cho Beeline khó mở rộng vùng phủ sóng. Có lẽ ưu tiên đầu bảng cho Gtel ở thời điểm này sẽ là tìm kiếm giải pháp gỡ rối về tài nguyên băng tần trước khi tuyên bố “tái xuất giang hồ”. Thế nhưng, còn quá sớm để nói về tương lai của mạng di động này liệu có trụ hạng trên thị trường di động được hay không.

 

Không gặp khó về băng tần cũng như tiền đầu tư nhưng Vietnamobile lại "vấp" về hạ tầng dung chung với các đại gia di động. Nhà đầu tư lắm tiền nhiều của Hutchison và Hanoi Telecom đã “bơm” cả tỷ USD cho mạng Vietnamobile. Trong 3 mạng di động nhỏ thì Vietnamobile được cho là sung sức nhất. Vietnamobile bắt đầu nuôi tham vọng vươn lên vị trí thứ 3 trên thị trường di động Việt Nam. Những tham vọng của nhà mạng này có lẽ sẽ “gây sự chú ý” với các mạng di động lớn. Mới đây, Vietnamobile đã phải gửi đơn kêu cứu lên Bộ TT&TT về việc bị các đối tác tăng giá cho thuê hạ tầng. Cho dù có số thuê bao đứng thứ 4 trên thị trường di động song điều đó không đủ đảm bảo cho sự trụ hạng của Vietnamobile trên thị trường trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

 

Một báo cáo của Bộ TT&TT gần đây cho thấy, chỉ có 3 mạng di động lớn là có nộp phí tài nguyên tần số và kho số. Còn lại phần lớn các mạng nhỏ đang lâm vào tình cảnh nợ phí tần số và kho số. Không chỉ có vậy, các mạng di động lớn còn cho biết những mạng nhỏ còn nợ tiền cước kết nối từ nhiều tháng nay. Lãnh đạo một mạng di động lớn cho biết, nếu chiếu theo hợp đồng kinh tế thì họ có thể đưa mạng nhỏ ra tòa kinh tế. Trong trường hợp mạng nhỏ không trả được nợ thì họ buộc phải tuyên bố phá sản.

 

Trước bức tranh ảm đạm của các mạng nhỏ, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT dùng hình ảnh các mạng di động nhỏ đang “bốc hơi”. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sẽ có mạng nhỏ nữa “ra đi” chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi!

 

Tại nhiều cuộc hội thảo về lĩnh vực viễn thông suốt thời gian qua, các chuyên gia đều đưa ra nhận định 7 mạng di động cho thị trường hơn 80 triệu dân là quá nhiều. Họ cũng dự báo là sau thời kỳ cạnh tranh quyết liệt, thị trường di động Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn các mạng di động phải phá sản hoặc sáp nhập lại. Như vậy, thị trường di động Việt Nam sẽ ổn định ở con số 3 - 4 mạng di động. Thế nhưng, hầu hết các mạng di động của Việt Nam đều là của Nhà nước. Vì vậy, ngoài yếu tố thị trường dẫn đến các mạng không cạnh tranh được nên buộc phải sáp nhập hoặc phá sản theo cơ chế thị trường thì còn có yếu tố ý chí của Nhà nước. Dù vậy, việc sáp nhập hoặc phá sản là chuyện tất yếu. Thực tế, sau một thời gian không thể trụ nổi trên thị trường, EVN Telecom đã phải “sang tên đổi chủ” về với Viettel.

 

 

Theo Thái Khang

ICTNews