1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Khủng long tuyệt chủng là do số phận sắp đặt

(Dân trí) - Với những bằng chứng hóa thạch mới nhất và công cụ phân tích được cải tiến, một nhóm các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên nhân chính xác về việc khủng long bị diệt vong.

Khủng long tuyệt chủng là do số phận sắp đặt

Theo các nhà khoa học, một tiểu hành tinh có đường kính10 km đã lao vào Trái đất cách đây 65 triệu năm, khiến môi trường toàn cầu bị tàn phá, với sóng thần, động đất, cháy rừng, mưa axit và nhiệt độ biến động đột ngột. Đúng vào thời điểm đó, loài khủng long đang chững lại về mặt tiến hóa. "Rất nhiều loài khủng long ăn cây cỏ lớn, những loài khủng long có sừng như Triceratops, loài đứng cuối trong chuỗi thức ăn của khủng long, loài cơ sở của hệ sinh thái khủng long, đã giảm mất tính đa dạng của mình. Nghiên cứu cho thấy điều này thật ra khiến hệ sinh thái khủng long dễ bị tổn hại hơn” - nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte thuộc Đại học Edinburgh, trưởng nhóm nghiên cứu, phân tích. Theo ông Brasatte, nếu tiểu hành tinh đâm xuống vài triệu năm trước hoặc sau đó trong lịch sử, khi các loài đa dạng hơn, thì khủng long ít ra đã có thể ứng phó tốt hơn. Tuy nhiên, quần thể khủng long đã phát triển trồi sụt thất thường trong suốt 150 triệu năm trước đó.

Nhà sinh vật học tiến hóa Michael Lee cùng các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Nam Australia và Đại học Adelaide, Australia đã lập một cây phả hệ khủng long theo dõi sự giảm kích thước và tỉ lệ tiến hóa để xem điều gì đã xảy ra trên mỗi nhánh. Họ nghiên cứu phân bộ khủng long chân thú ăn thịt (theropoda), phân tích 1.500 đặc điểm ở 120 loài và phát hiện rằng có một nhóm khủng long tiến hóa nhanh khoảng gấp bốn lần tất cả các loài khủng long khác có mặt vào thời điểm đó. Nhóm tiến hóa nhanh chóng đó cuối cùng biến thành chim.

Trong quá trình chuyển hóa kéo dài trong vòng 50 triệu năm, các thế hệ khủng long kế tiếp từ từ và dần dần nhỏ đi. Vào thời điểm tiểu hành tinh đâm vào trái đất, ông Lee cho biết, những con chim đầu tiên đã sải cánh bay khoảng 100 triệu năm. "Thủy tổ loài chim bắt đầu khám phá một lối sống mới đòi hỏi kích thước cơ thể nhỏ hơn, cử động nhanh nhẹn hơn và khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể lớn hơn bằng cách sử dụng lông vũ và nhiều thứ khác”, ông Lee phân tích. Theo ông Lee, điều đó đã chọn lọc rất nhiều đặc điểm thích nghi mới về mặt giải phẫu mang tính triệt để, những thứ như cánh và lông vũ và xương chạc, và tất cả những đặc điểm thích nghi khác mà chúng ta thấy ngày nay ở hình thái loài chim."

Hiện nay có khoảng 10 nghìn loài chim trên hành tinh. Nhà nghiên cứu Lee cho biết ông định sẽ lần theo những mô thức tiến hóa khác như sự trỗi dậy của động vật có vú sau khi khủng long tuyệt chủng.

Thu Trang