Không có điện thoại thì ra... chầu rìa

Nhiều chuyên gia tâm lý xã hội khẳng định rằng thanh thiếu niên hiện nay đã coi điện thoại di động là "bạn thân" của họ. Những ai không sử dụng thiết bị cầm tay này đôi khi dễ bị rơi vào tình trạng cô độc.

Thực vậy, nhiều người không có điện thoại đã bỏ lỡ nhiều dịp tụ tập quan trọng bởi bạn bè họ đã nhắn tin cho nhau để thông báo thay đổi kế hoạch và địa điểm. Đây không phải câu nói cường điệu của một cậu bé khi thuyết phục ông bố khó tính mua cho cậu chiếc "alô". Đó cũng không phải là một mánh tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mà chính là kết luận từ một loạt khảo sát của các chuyên gia nghiên cứu trên toàn thế giới.

Rebecca Higgins, ở Seaforth (Australia), đã quyết định mua cho cậu con trai 15 tuổi một máy di động, không cần biết cậu thích nó hay không. "Con tôi đã phải bắt hai chuyến xe bus tới nơi gặp gỡ và không thấy ai ở đó. Bạn bè nó đã lùi thời gian vào phút chót. Chúng đổi kế hoạch mà không hề nghĩ đến chuyện gọi điện về nhà", Higgins giải thích.

Điện thoại di động là "cổng kết nối" cho tình bạn và các mối quan hệ khác, thậm chí là thước đo tình trạng xã hội và phản ánh cái tôi của mỗi cá nhân. Cá biệt, một số người thừa nhận, nếu không có ai gọi đến, họ cũng không cảm thấy quá tủi thẹn khi cài đặt để thiết bị tự động đổ chuông, kiểm tra tin nhắn không hề tồn tại hay vờ "buôn" chuyện ồn ào với một người bạn tưởng tượng.

"Bọn trẻ nói chuyện và nhắn tin liên tục trên xe bus, như thể chúng muốn chứng tỏ chúng cũng có người quan tâm", James Katz, Giám đốc trung tâm thông tin di động tại đại học Rutgers (Mỹ), cho biết. "Không dùng điện thoại chẳng khác nào bạn đang đang bị trục xuất và trở thành kẻ ngoài cuộc". Trong một nghiên cứu của Katz, 90% thiếu niên thừa nhận từng tạo một cuộc gọi giả. Ông cũng yêu cầu 100 sinh viên không cầm theo điện thoại trong 48 giờ dù vẫn cho phép sử dụng Internet. Sau đó, có tới 88 người khẳng định bạn bè họ đã tỏ ra tức giận và nhắn tin yêu cầu họ nghe máy. Chỉ có 3 sinh viên cảm thấy hạnh phúc hơn khi không phải bận tâm đến phương tiện này. "Dường như có một sức ép vô hình nào đó buộc họ phải giữ liên lạc", Katz nhận xét. "Thậm chí, một người không có điện thoại có thể còn không được coi là một người bạn thực sự".

Theo Katz, điện thoại đang lột xác từ một sản phẩm xa xỉ thành công cụ giao tiếp thường nhật. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng thiết bị này đang làm mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, khiến mọi người cảm thấy không hài lòng về gia đình, nhưng họ lại không thể sống "cách ly" khỏi chúng.

Viện công nghệ MIT (Mỹ) năm 2004 cũng thống kê điện thoại di động đứng đầu trong số những phát minh mà con người căm ghét nhất nhưng lại không thể sống thiếu nó. "Trước đây mọi người thường chú ý đến những gì họ và người khác nói. Còn bây giờ, vấn đề quan trọng nhất là họ được liên lạc bao nhiêu lần, nhận bao nhiêu tin nhắn. Họ cũng có thể nhắn tin cho ông bà mà không phải quá băn khoăn về các phép tắc xã hội, hoặc nói lời chia tay với bạn trai/bạn gái qua tin nhắn dễ dàng hơn", Katz nhận xét.

Theo P.T.

VnExpress/SMH