Khởi nghiệp: Cần tận dụng và phát huy tiềm năng con người

(Dân trí) - "Con người Việt Nam với sức lực và trí tuệ, nguồn lực này đang dư thừa tương đối và còn tăng đột phá trong những năm nữa. Phải tận dụng điều này!", Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam- nói về khởi nghiệp.

chu4725-1470473943929

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

Để phát huy nguồn lực, cần phải khởi nghiệp

Tại buổi tọa đàm “Phát huy truyền thống đoàn kết – Sáng tạo – Phấn đấu vì thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” sáng 6/8 , Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Muốn thúc đẩy phát triển mà chúng ta chỉ dựa vào phần nguồn lực bị hạn chế thì rất khó phát triển. Tôi nghĩ, muốn phát triển nhanh phải dựa vào nguồn lực có chiều hướng tăng lên. Đất nước Việt Nam có nguồn lực gì mà ngày càng tăng thêm, không hạn chế? Đó là con người".

"Việt Nam có một điều rất đặc biệt là trong khi các nước khác ngày càng thiếu lao động thì Việt Nam mình lại có nhiều lao động. Không phải tiền. Con người Việt Nam với sức lực và trí tuệ, nguồn lực này đang dư thừa tương đối và còn tăng đột phá trong những năm nữa. Lao động Việt Nam còn tăng thêm trong 30 năm nữa. Phải tận dụng điều này". Ông Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện tại TPHCM có nguồn lao động đã rất dồi dào với bình quân 1.000 lao động/1km vuông. Năng suất Thành phố bằng 3,5 lần bình quân phần còn lại của cả nước. Cứ 1 lao động thành phố làm bằng 3,5 lần lao động ở 62 tỉnh thành còn lại. Cứ trên 1 cây số vuông, khoảng chi phí tạo ra của thành phố bằng 46 lần bình quân quá tải cả nước. Trên 1 cây số vuông thành phố tạo ra bằng 46 lần phần còn lại của cả nước. Nghĩa là thành phố làm hai năm trên 1 cây số vuông thì bằng bình quân cả nước làm 92 năm.

Về khoa học thị trường, chính phủ các nhiệm kì đã hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng, ký xong các hiệp định thương mại. Bây giờ, 63% GDP toàn cầu sẽ trở thành nơi nhập khẩu hàng Việt Nam với thuế tiến tới 0%. Chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu lớn như bây giờ. Chưa bao giờ nguồn lao động lớn như bây giờ. "Chúng tôi cho rằng đây là 2 cơ hội để chúng ta có thể phát triển. Chứ không chỉ dựa vào ngân sách. Ngân sách sẽ ngày càng khó khăn. Cho nên, có thể nói, chúng ta có thể chuyển sang giai đoạn mới, 30 năm phát triển mới, gắn với hội nhập và phát huy nguồn lực con người, về số lượng và đặc biệt là chất lượng". Ông Nguyễn Thiện Nhân, cho biết thêm.

Do đó, để nguồn lao động này ngày càng giỏi, thành phố cần đầu tư, hỗ trợ về KH&CN để nâng cao năng suất lao động trong các công ty, doanh nghiệp, góp phần tăng mạnh kinh tế, đưa TPHCM thành đầu tàu của cả nước. Và để phát huy nguồn lực con người, theo ông Nguyễn Thiện Nhân thì phải có khởi nghiệp.

"Khởi nghiệp của chúng ta thu hút rất đông, mỗi năm có hơn 900.000 lao động. Mỗi năm nước ta có hơn 1.000.000 người đi tìm việc làm. Cho nên câu chuyện khởi nghiệp chính là câu chuyện phát huy tiềm năng con người của đất nước này, giúp đất nước ngày càng phát triển hơn." Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trường viện cần quan tâm tới hệ sinh thái khởi nghiệp

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM cho biết: " Hoạt động đổi mới sáng tạo được coi là “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động Khoa học và Công nghệ Thành phố trong suốt 40 năm hình thành và phát triển. Sự kết nối của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực".

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM

Những thành công bước đầu đến từ mô hình liên kết tam giác “Doanh nghiệp - Nhà nước – tổ chức nghiên cứu (trường viện)” - đây là yếu tố được xem là quyết định cho chìa khóa thành công ở mọi quốc gia. Trong đó, theo ông Dũng, vai trò của trường viện rất quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Bởi trường viện là nơi mọi tinh hoa, tri thức và sáng tạo được tập trung. Đó là con người, là sinh viên sẽ tốt nghiệp ra trường. Những con người này sẽ góp phần đưa đất nước đổi mới và đi lên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường thất nghiệp, một thống kê trước đây chỉ ra rằng, có đến 178 ngàn kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp... Do đó, ông Dũng cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức.

Ông Dũng nói: "Tại sao trong 178 ngàn em thất nghiệp đó không đào tạo khởi nghiệp, bất kể trường nào, kể cả trường Luật, trường Xã hội Nhân Văn... Nếu như trong đó chỉ cần có 10% các em khởi nghiệp, mỗi em sẽ thuê 10 em còn lại thì chúng ta đã giải quyết được rất nhiều rồi. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện hữu thì không thể tuyển thêm lao động mà chỉ tăng thêm doanh nghiệp mới. Và doanh nghiệp mới nằm ở đâu?".

Do đó, theo ông Dũng, nếu như nhà trường có dạy về khởi nghiệp, có dạy về đổi mới sáng tạo, gắn kết với khoa học công nghệ cho đến các giải pháp thực hiện sẽ giải quyết được nhiều bài toán tận dụng nguồn nhân lực. Điều này kích thích cho mỗi em khi ra trường sẽ không còn phải đặt câu hỏi cho mình nên xin vào chỗ nào? Mà các em còn có thể nghĩ nên mở ra một dịch vụ nào, cung cấp thêm sản phẩm mới để tạo ra thêm giá trị cho xã hội và thu hút thêm nguồn lao động.

TPHCM sẽ hỗ trợ tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM
Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM

Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời các ngành công nghệ thông tin, Internet phát triển bùng nổ, các giao dịch xuyên quốc gia ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thương mại, dịch vụ toàn cầu thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là “chìa khoá” năng cao nâng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, năng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt kịp với các nước phát triển".

Ông Phong cũng cho biết Thành phố xác định khoa học và công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Thành phố khẳng định và cam kết thực hiện tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách mà đã đề ra, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Trong đó, 5 mục tiêu chính được đề ra gồm: Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành thành phố thông minh, một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực.

Thứ hai là hỗ trợ kinh phí các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ được thành phố ưu tiên bao gồm các lĩnh vực: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác thông tin công nghệ, sáng chế; tư vấn, sở hữu trí tuệ...Kinh phí được cấp cho họat động hỗ trợ khởi nghiệp theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách để thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ; chuyển đổi 100% tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nâng tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, định hình cơ chế thúc đẩy tạo điều kiện hình thành định chế Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực triển khai ứng dụng công nghệ mới. Nghiên cứu đổi mới chính sách tài trợ của Nhà nước đối với sản phẩm khoa học và công nghệ từ việc bao cấp đầu vào sang tài trợ đầu ra.

Và cuối cùng, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của thế giới.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã có nửa triệu doanh nghiệp. Chính phủ phấn đấu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, TPHCM hiện nay có 260.000 doanh nghiệp, đang gửi ý kiến phấn đấu có nửa triệu doanh nghiệp. Với một điều kiện rất lớn như hiện nay, việc ký kết xong các hiệp định thương mại sẽ là đòn bẩy để giúp cho sự phát triển của đất nước ngày càng nhanh hơn, trong đó, những cơ chế, chính sách, sự đổi mới sẽ giúp cho đất nước tận dụng và phát huy nguồn lực con người một cách tốt nhất.

Gia Hưng