“Khó nhất là tìm đúng câu hỏi khi tìm kiếm”
(Dân trí) - Ông John Batelle, người đồng sáng lập tạp chí Wired, đã dành hầu hết sự nghiệp làm phóng viên công nghệ để nghiên cứu về các công nghệ tìm kiếm trên nền Web. Tạp chí CNN đã có cuộc phỏng vấn với ông về tương lai của dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.
- Từ khi nào ông tin rằng Google sẽ thành công trong dịch vụ tìm kiếm trực tuyến?
John Batelle: Từ cuối năm 2001, tôi đã đinh ninh rằng nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm Google sẽ tạo ra “cơn hồng thủy” trên Net. Năm đó, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin trên web và tôi cảm thấy rằng công cụ truy tìm sẽ giúp người dùng hiểu rõ hơn sự ảnh hưởng của công nghệ Internet đối với đời sống, văn hóa, doanh nghiệp và cả chính phủ.
Điều thú vị là hầu hết các công ty kinh doanh trên Internet lớn nhất, như Amazon, Ebay, Google, hay Yahoo đều hoạt động dựa trên công nghệ tìm kiếm. Hai khách hàng “đại gia” nhất của Google trong lĩnh vực mua quảng cáo trên các website là Ebay và Amazon. Vì hầu hết người lướt web đều tìm kiếm hàng hóa trên mạng để mua. 25% thời gian lướt web của người tiêu dùng là để thực hiện giao dịch trên mạng. Do đó, vấn đề cực kỳ quan trọng là các doanh nghiệp phải nắm bắt được nhu cầu và động thái khôn ngoan nhất là hãy tìm cách để sản phẩm của mình đứng vào hàng top trong kết quả tìm kiếm của nhà cung cấp dịch vụ search.
- Google không chỉ đơn thuần là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, song, cái tên của nó lại đồng nghĩa với “search” (tìm kiếm). Điều gì đã tạo nên hiệu ứng như vậy?
JB: Đúng là Google còn có nhiều dịch vụ khác và cũng có nhiều công ty khác cung cấp dịch vụ tương tự. Tuy nhiên, vấn đề tạo nên hiệu ứng này không phải do thời điểm và công nghệ cũng không thể tạo ra sự thành công như thế.
Thời điểm mà Google bùng nổ thì mạng Internet đã rất sôi động. Mọi người thường xuyên lướt web. Mặc dù thị trường chứng khoán lúc đó rất sôi động nhưng Internet vẫn thu hút được rất nhiều người dùng. Trong khi đó, cổng giao tiếpYahoos lại không quan tâm đến công cụ tìm kiếm, hãng này chỉ chú tâm làm sao để “giữ chân” người lướt web. Họ không muốn bạn tìm kiếm một điều gì đó rồi lướt qua như chưa từng gặp. Yahoo chỉ muốn khách hàng ngồi một chỗ và xem các quảng cáo của họ. Đáng tiếc là các quảng cáo của Yahoo lại không có mấy liên quan đến những gì bạn quan tâm.
Công nghệ của Google đã góp phần vào sự thành công của hãng. Khi bạn đã nhập yêu cầu quan tâm vào một thanh tìm kiếm, Google sẽ tự sắp xếp lại trang web theo chủ ý của bạn. Nếu bạn gõ chữ “minivan”, site của hãng sẽ sắp xếp các chương trình quảng cáo liên quan đến minivan, có thể là ôtô hay những gì tương tự đã được lưu trong máy chủ của hãng. Đây chính là cách làm hiệu quả trong việc tổ chức và quảng cáo của Google và năm nay, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm khổng lồ đã thu được hơn 6 tỷ USD quảng cáo.
- Thành công của Google là do may mắn hay là do công nghệ tốt?
JB: Thành công đạt được của Google là do sự kết hợp cả hai yếu tố trên. Thực sự, họ đã làm rất tốt công việc mặc dù hiện tại vẫn có sự tranh cãi về “phong độ” hiện nay của Google. Song, trên thực tế, Google đã có thương hiệu riêng. Mọi người “nghiền” Google bởi “tiếng thơm đồn xa” nên bạn bè, người thân của nhau cũng biết đến công cụ tìm kiếm của hãng. Người lướt web sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và Google chính là địa chỉ đáng tin cậy của họ.
Google đã đặt đúng điểm nhấn, đúng thời điểm và họ có công nghệ xuất sắc.
- Những người sáng lập ra Google, Larry Page và Sergey Brin, là những “tín đồ” công nghệ. Có phải họ là những người cũng có đầu óc kinh hoanh hay là họ buộc phải có ý tưởng để kinh doanh?
JB: Tôi nghĩ họ là người có đầu óc kinh doanh nhưng họ không phải là nhà doanh nhân điển hình. Larry Page và Sergey Brin đều là hai sinh viên Toán tin tốt nghiệp xuất sắc của trường đại học Stanford, một trong những trường hàng đầu của Mỹ. Chắc chắn họ không phải là người nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân.
Không phải là doanh nhân, và tự hào vì làm được điều hoàn toàn khác với mọi người nhưng hóa ra họ đã thực hiện đúng hướng. Ý tưởng của họ đã thu được doanh thu khổng lồ và trở thành nhà kinh doanh đích thực.
- Phải làm gì để trở thành “người kế nhiệm” của Google?
JB: Rất khó có thể khẳng định được điều này.
Trước hết, để đạt được thành công tương tự Google, bạn phải có sự sáng tạo để mọi người phải thốt lên rằng: “Tôi sử dụng cái này, cài này tốt hơn cái kia”. Thực sự rất khó, tìm kiếm là một trong những vấn đề khoa học vi tính phức tạp nhất trên thế giới. Chúng ta đang tạo ra trí tuệ nhân tạo để có thể “nói chuyện” với máy tính, máy hiểu và thực hiện những yêu cầu của chúng ta. Điều này tương tự như bạn biến máy tính trở thành thư viện tìm kiếm thông minh. Và để “vượt mặt” Google, bạn phải khai thác công nghệ mà chưa ai từng phát hiện.
Thứ hai, bạn sẽ phải sử dụng công nghệ tìm kiếm thông minh. Thật dễ dàng khi tìm kiếm trên quy mô nhỏ hẹp nhưng nếu bạn muốn làm tốt như Google thì sẽ phải sở hữu hàng trăm nghìn máy móc, hàng nghìn kỹ sư và cập nhật dữ liệu trong thời gian thực thì rất tốn kém.
Thứ ba, ngân sách cũng rất quan trọng.
- Mọi người đang sợ rằng những gì họ tìm kiếm sẽ bị kiểm soát. Có phải mọi người đang nghi ngờ công nghệ tìm kiếm?
JB: Tôi nghĩ đây chính là trở ngại lớn nhất của Google và các hãng tìm kiếm khác. Mỗi lần lướt web và sử dụng công cụ tìm kiếm, bất cứ những gì bạn làm và bạn “lướt” đến đâu, một bộ ghi trung tâm sẽ ghi lại tất cả những hoạt động của bạn. Thanh công cụ của Google và của các hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm khác đều có thể theo dõi bạn vì có như thế toolbar tìm kiếm mới truy xuất được nhiều kết quả search tốt hơn. “Oh, tôi hiểu, anh đã từng truy cập vào site đó nên tôi sẽ đặt website này ở vị trí đầu tiên trong kết quả tìm kiếm”. Đó được gọi là tìm kiếm cá thể hóa.
Do đó, Google hay Microsoft, Yahoo hoặc một hãng nào đó có thể tự động kiểm soát thông tin bạn từng truy cập vào site nào mà không cần phải thông báo với bạn. Tuy nhiên, thực tế đây là bản quyền mà họ sẽ không bán và không cung cấp cho bên thứ ba nào đó trừ phi luật pháp của nước đó yêu cầu.
- Liệu có còn điều gì trên Web mà ông chưa tìm thấy?
JB: Chắc chắn rồi. Cách đây 1,5 năm Microsoft khẳng định công cụ tìm kiếm mới chỉ thỏa mãn 50% những gì mà người dùng mong muốn. Đây là một tỷ lệ khá cao. Vẫn còn rất nhiều thứ tôi chưa thể khám phá trên Web vì cái chính là tôi không biết đặt câu hỏi chính xác. Tôi nghĩ điều khó nhất trên thế giới này là tìm ra câu hỏi đúng chứ không phải không thể tìm ra câu trả lời.
N.Hương (theo CNN)