Khi “cơ nhỡ” mới ứng dụng văn phòng web

Laptop hỏng khi vội viết báo cáo, Lê Văn Minh, chuyên gia của một tổ chức tư vấn HIV/AIDS, phải ra ngoài quán Net để soạn văn bản. Nhưng cửa hàng không cài Office khiến anh vò đầu bứt tai một lúc mới nhớ ra cách dùng Documents trong hòm thư Gmail.

Anh Minh cho biết những lúc như thế này Gmail tỏ ra khá thuận tiện cho người dùng. "Tôi gửi văn bản ngay trên nền thư hoặc đính kèm dưới dạng file Microsoft Word, OpenOffice, PDF ... để người nhận dễ dàng đọc dù họ không có hay có bộ phần mềm tương ứng", anh nói. "Đồng nghiệp cùng sử dụng Gmail cũng có thể chia sẻ file này để nhóm làm việc chỉnh sửa cho nhau".

 Hiện nay thế giới văn bản đang mang lại nhiều chọn lựa cho người sử dụng. Các gói phần mềm cài trực tiếp trên máy có Microsoft Office (mã nguồn đóng, thu phí), Kingsoft Office (mã nguồn đóng, thu phí), StarOffice (nguồn mở, có bản thu phí và miễn phí), OpenOffice (nguồn mở, trả chút phí hoặc không, tùy theo lựa chọn của người dùng) và mới đây nhất là Lotus Symphony của IBM (nguồn mở, miễn phí).

 

Nhằm cạnh tranh với các ứng dụng offline mà chủ yếu là Microsoft Office, hãng Google đã thổi bùng một trào lưu đưa phần mềm văn phòng lên web khi tung ra chương trình bảng tính, soạn thảo văn bản, trình chiếu dưới cái tên Documents nằm sẵn trong hòm thư Gmail. Sự kiện này làm cho những dịch vụ Web 2.0 có các chức năng tương tự như Zoho, Ajax13 trước đó trở nên đáng chú ý. Điểm nổi bật của ứng dụng văn phòng trực tuyến là miễn phí, truy cập được từ khắp mọi nơi bằng kết nối Internet, chia sẻ cho nhóm làm việc và có khá nhiều tính năng quen thuộc với người dùng Word, Excel... từ trước tới nay. Những động thái "giành khách" này khiến Microsoft phải tính đến phương án tung một số tính năng cơ bản của bộ Office lên nền web. Cùng lúc đó, Adobe cũng giới thiệu trình xử lý văn bản trực tuyến Buzzword, khiến "cuộc chiến văn bản" càng trở nên nóng bỏng.

 

Tuy nhiên, cộng đồng người sử dụng hiện nay vẫn chưa dùng các tiện ích miễn phí này làm công cụ chủ yếu cho hoạt động thường ngày của họ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Anh Minh, từ hồi sở hữu tài khoản Gmail khoảng nửa năm qua, cũng thỉnh thoảng mới dùng đến chức năng soạn văn bản hay bảng tính trực tuyến tích hợp. "Nếu ngồi ở văn phòng thì tôi soạn văn bản, kẻ bảng biểu... bằng Word rồi đính kèm để gửi qua Yahoo Mail hay Gmail", anh cho biết. "Khi đi công tác xa thì vẫn soạn trên Word rồi cắm điện thoại vào laptop để kết nối Internet và gửi đi cho tiết kiệm chi phí".

 

Nguyễn Minh Huyền, trưởng nhóm kinh doanh của một công ty nội thất tại Hà Nội, cho hay ê-kíp làm việc của chị có một thời gian thử dùng Zoho nhưng giao diện không quen mắt nên bỏ lửng, trở về với Word. "Chúng tôi vẫn phải in văn bản ra để ký tay, nhưng tìm trong Zoho không thấy chức năng đặt trang A4 để chỉnh dòng trước khi in nên nhiều khi phải export hay copy ra Word và xử lý lại, thà cứ dùng Word rồi gửi cho nhiều người qua mail còn tiện hơn", chị bày tỏ.

 

Theo anh Phùng Duy Thành, kỹ sư tin học tại Đại học Y Hải Phòng, do thói quen sử dụng chương trình cài đặt từ những điều được học ở trường phổ thông hay các cơ sở đào tạo nghề, nhiều người vẫn gõ trên Word hay Excel. Các giáo trình Microsoft Office từ lâu vẫn được đưa vào giảng dạy mà không mở rộng những thay đổi mới cho sinh viên biết. Ngoài ra, đĩa CD chứa bộ ứng dụng này kèm "key" (mã bẻ khóa) được bán sẵn trên thị trường, khiến nhu cầu dùng hàng miễn phí trên mạng không cao.

 

"Các ứng dụng văn phòng trên web hiện nay mới bao gồm những chức năng đơn giản nhất, còn thiếu rất nhiều tính năng chuyên sâu", Nguyễn Minh Đức, sinh viên du học tại đại học Tulsa (Mỹ), cho biết. "Tốc độ xử lý dữ liệu chậm, thao tác phải qua nhiều cửa sổ trình duyệt... khiến chúng chưa thực sự hấp dẫn với đa số người dùng. Trong khi đó, trường hỗ trợ sinh viên mua Microsoft Office 2007 chỉ với giá 10 USD".

 

Theo T.H.

VnExpress