Khi các nhà báo “đương đầu” với thời của smartphone

(Dân trí) - Sự phát triển nhanh chóng của smartphone kéo theo sự thay đổi to lớn của nghiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành truyền thông với báo chí, truyền hình, Internet. Đây vừa là cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho báo chí.

Các diễn giả tham dự hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tổ chức hôm qua, 14/5 tại Hà Nội, đều có chung quan điểm truyền thông đang có những thay đổi lớn từ sự phổ biến của smartphone.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền cho rằng xu thế báo chí trên toàn cầu đang thay đổi, xã hội đang chuyển dần sang giai đoạn truyền thông mobile, và báo chí cũng phải chuyển biến cho phù hợp với đối tượng sử dụng và tiếp cận thông tin theo phương thức mới. Các cơ quan báo chí và đặc biệt là cá nhân mội người làm báo cần phải có sự nhận thức rõ ràng, cập nhật kỹ năng, đổi mới công nghệ mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của độc giả và sự phát triển của công nghệ. Các phương tiện di động, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành công cụ phổ biến của cộng đồng cư dân, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì vậy,  nếu không chú trọng vào việc đổi mới phương thức và nội dung cung cấp cho mobile, báo chí sẽ khó tiếp cận được đối tượng độc giả trẻ - hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong dân số Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định văn hóa đọc của độc giả đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phổ biến của các phương tiện di động đầu cuối, đặc biệt là smartphone. Đại diện Hội nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí trong nước cần nắm bắt và có những thay đổi nhằm thích ứng với nhu cầu của công chúng.
Khi các nhà báo “đương đầu” với thời của smartphone
Gần 250 lãnh đạo và phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí đã có mặt trong buổi hội thảo ngày 14/5 (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ông Huệ cho rằng, truyền thông trên điện thoại di động, đặc biệt là smartphone và làm báo bằng điện thoại di động là một xu hướng mới. Vì thế, các cơ quan báo chí cần có sự nghiên cứu, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng tìm hướng phát triển phù hợp.

Tham dự hội thảo, nhà báo Đỗ Lê Thăng, báo Dân Việt, nhấn mạnh cuộc cách mạng về giá thiết bị smartphone cùng với môi trường Internet băng thông rộng đã thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng của cơ quan báo chí tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo VietnamPlus - cho rằng trong thời đại báo chí online, tính thời sự quan trọng hơn so với tính mỹ thuật. Do đó, trong bối cảnh khẩn cấp, cần truyền thông tin và hình ảnh về tòa soạn thì smartphone là sự lựa chọn tối ưu đối với những người làm báo. “Hình ảnh chụp đúng lúc tại hiện trường của những vụ hỏa hoạn, tai nạn hay truyền hình trực tiếp… có thể không được sắc nét, không được độc đáo nhưng giá trị của nó lớn hơn gấp nghìn lần những bức ảnh chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp mà chậm trễ trong việc truyền tải tới độc giả”, ông Minh nhấn mạnh. Tuy vậy, mặc dù chất lượng ảnh chụp smartphone không thật sự hoàn hảo nhưng các nhà báo có thể sử dụng rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh để làm cho bức ảnh của mình đẹp hơn.

“Tại sao không sử dụng smartphone vào trong công tác báo chí bởi điện thoại có thể giúp chúng ta chụp ảnh, gõ văn bản, ghi âm, quay phim, tải mạng xã hội…. Để dễ dàng hơn trong việc gõ văn bản, các nhà báo cũng có thể trang bị thêm bộ bàn phím Bluetooth thì smartphone gần như đã đảm trách được đầy đủ công việc của laptop”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Tham gia hội thảo có bà Kwon Tae Sun, Tổng biên tập tờ Huffington Post Korea, một trang báo mới tại Hàn Quốc của Huffington Post, là tờ báo điện tử số 1 ở Mỹ. Bà Kwon cho biết, Huffington Post Korea dù mới chỉ được thành lập 2 tháng, nhưng đã trở thành một trong những tờ báo uy tín nhất tại Hàn Quốc. Với đối tượng hướng tới ở độ tuổi ở 25-44 tuổi nên Huffington Post Korea được thiết kế hiện tại, không quá coi trọng truyền thông hiện có mà tạp trung phát triển các chủ đề có giá trị tương lai mới.

“Thông thường độc giả tiếp cận với tin tức bằng smartphone chiếm tỷ trọng lớn. Tại Hàn Quốc, trung bình số người xem tin tức bằng smartphone chiếm 40%, số người xem bằng PC chiếm 60%, tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch dần sang smartphone ngày càng tăng”, bà Kwon nhấn mạnh, “Với Huffington Post Korea, tỷ lệ đọc bằng smartphone hiện chiếm hơn 70%. Điều đó có nghĩa là các bài báo của Huffington Post Korea đã được tối ưu hóa trên môi trường điện thoại thông minh ở mức độ đó”.

Theo bà Kwon, số lượng độc giả của Huffington Post Korea từ trang Facebook chiếm tỷ trọng cao nhất. Mặc dù, trang Twitter cũng có vai trò nhất định nhưng hiện tại sức ảnh hưởng của nó chỉ gần bằng một nửa của Facebook. Lượng độc giả đến từ Facebook hiện chiếm khoảng 23-25%.

Tham dự hội thảo, ông Bae Myung Bok, Đặc phái viên - Thành viên Ban Bình luận thời sự Nhật báo Chungang, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của smartphone kéo theo sự thay đổi to lớn của nghiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành truyền thông với báo chí, truyền hình, Internet. Đây vừa là cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho báo chí. Sự phát triển mạnh mẽ của smartphone đã đẩy một phương tiện truyền thông truyền thống là báo giấy và khủng hoảng nghiêm trọng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.

Một thực tế ai cũng thấy rõ là tỷ lệ người đọc giảm sút khiến số ượng báo giấy bán ra giảm một cách nhanh chóng. Do vậy nguồn thu từ quảng cáo cũng giảm sút. Sức ảnh hưởng cũng đang giảm dần. Việc phổ cập Internet một cách nhanh chóng là nguy cơ thứ nhất đối với báo chí truyền thống. Và, việc phổ cập smartphone đang tiếp nối trở thành nguy cơ thứ hai khiến báo chí trở nên kh ủng hoảng, một hình ảnh hết sức trầm trọng.

“Tại Hàn Quốc, các cơ quan báo chí đang bị tác động lớn lớn bởi nguy cơ rằng nếu như việc sản xuất, phân phối nội dung tin tức, cơ cấu lợi nhuận… không được thay đổi một cách quyết liệt trong thời đại “người di động” thì chẳng bao lâu nữa báo giấy cũng sẽ như loài khủng long đã tuyệt chủng, chỉ còn là một di vật từ thời cổ đại”, ông Bae Myung Bok nhấn mạnh.
Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm