Khai cuộc Game online

Bùng phát, thu hút nhiều “khách hàng” ở mọi lứa tuổi, hứa hẹn bội thu… đó là dự đoán về game online của những nhà cung cấp. Chính vì thế, những nhà cung cấp dịch vụ này đã có những “rục rịch” đầu tư bằng tiền tỷ.

Khúc dạo đầu nóng bỏng

 

Trước năm 2004, trò chơi trực tuyến (game online) chưa chính thức hiện diện tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của Internet ADSL, khái niệm MMORPG (Massive Multi Player Online Role Playing Game - game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) được giới “game thủ” Việt Nam biết đến khi ngày 7/12/2004, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC đưa MU-Online vào thử nghiệm.

 

Tuy chỉ mới thử nghiệm nhưng MU-Online được nhiều điểm dịch vụ Internet triển khai, bước đầu thu hút khoảng 500.000 người tham gia, có thời điểm 6.000 lượt người chơi cùng lúc, theo thống kê trên hệ thống server của VASC.

 

             

Khai cuộc Game online   - 1

 

Tháng 5/2005, lời đe dọa “Các chiến binh MU Việt Nam sẽ mất sạch tài sản” lan truyền nhanh gây xôn xao trong thế giới MU. Và lời đe dọa đó hoàn toàn có thật khi VASC chính thức tuyên bố “Ngừng cung cấp thử nghiệm dịch vụ MU Online-Thế giới diệu kỳ. Thời điểm: 12 giờ trưa, thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2005. Một lần nữa chúng tôi thành thật xin lỗi các bạn!”. Các “tín đồ” của MU-Online Việt Nam đành thất vọng gác kiếm vì “…thương trường quả thật khắc nghiệt!” (VASC).

 

Người “vượt mặt” VASC chính là nhà cung cấp game FPT, đơn vị đã mua được bản quyền MU-Online từ Công ty Phát triển Game Webzen (Hàn Quốc) vào tháng 5/2005 với giá 2,9 triệu USD và sẽ chính thức ra mắt lại vào cuối tháng 7/2005. Và cuộc tranh giành bản quyền game online này đã mở ra khúc dạo đầu chính thức của cuộc bùng nổ thị trường MMORPG Việt Nam.

 

Các “đại gia” vào cuộc

 

Giành quyền cung cấp MU-Online, FPT đã khiến bao công sức của cộng đồng MU Việt Nam bị xóa sạch và các “game thủ” phải chờ… chơi lại từ đầu. Thế nhưng, nhà cung cấp này không sợ phản ứng ngược mà trái lại còn tự tin bước vào cuộc chơi bằng việc nâng dung lượng đường truyền ở Hà Nội và TPHCM lên 10 GB, nâng cấp toàn bộ hệ thống DSLAM cung cấp ADSL từ quý II/2005.

 

Ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thống FPT cho biết: “Chúng tôi đã cho huấn luyện 50 Game Master theo chương trình chuẩn của Webzen và đào tạo gần 100 nhân viên FPT để tham gia nhiều công đoạn trong quá trình cung cấp dịch vụ MU-Online sắp tới.

 

Quy trình này sẽ được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 vào tháng 7/2005”. Đặc biệt, sắp tới, FPT sẽ tặng thẻ Gold Member, giải thưởng, biểu tượng vàng cho những gamer đạt trình độ cao, ông Trương Đình Anh cho biết thêm. Quả là “sự đền bù” thỏa đáng!

 

Trở lại với VASC, có lẽ, sau khi bị “vượt mặt”, nhà cung cấp game này cũng không hề nao núng khi đã mua bản quyền 3 game Herrcot (Hàn Quốc), Risk Your Life II và Darcania (Đài Loan) từ trước đó rất lâu, tháng 1/2005 và dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới.

 

Trong đó, Risk Your Life II là game hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn vì nó hiện nằm trong top 10 MMORPG suất sắc nhất thế giới. Trong thời gian VASC Việt hóa 3 game trên thì FPT đã kịp thời trình làng Priston Tale VietNam (PTV-Giành lại miền đất hứa) thu hút hơn 140.000 người đăng ký ngay trong hai tuần đầu tiên.

 

Ngày 10/6/2005, Công ty Vina Game họp báo công bố phát hành chính thức trò chơi trực tuyến Võ lâm truyền kỳ (dựng dựa trên bối cảnh võ hiệp Trung Hoa) sau khi mua lại bản quyền của Kingsoft (Trung Quốc). “Mới nghe tên thôi là đã muốn chơi” là lời của một nữ “game thủ” khi nghe tin có game mới Võ lâm truyền kỳ.

 

Quả vậy, vì những giai thoại võ lâm Trung Hoa như Ỷ Thiên Đồ Long hay Thiên Long Bát Bộ vốn đã quen thuộc với người Á Đông mê phim võ hiệp, giờ với Võ lâm truyền kỳ, người chơi có thể tạo nên những “giai thoại” cho riêng mình thì ai mà chẳng thích.

 

Và một MMORPG khá thú vị khác cũng cần được nhắc đến là Gunbound của nhà cung cấp AsiaSoft sau khi mua lại bản quyền của Softnyx (Hàn Quốc). Tuy không phải là trò chơi hoàn thiện nhân vật bằng cách luyện võ công, đấu đá ầm ĩ nhưng Gunbound vẫn tạo sự hứng thú và thu hút người chơi lâu dài từ khi ra mắt vào tháng 1-2005 (chính thức ra mắt sớm nhất tại Việt Nam) đến nay. Các gamer cho rằng, trò này “hút dữ lắm!” vì đòi hỏi người chơi phải động não chứ không chỉ “lanh tay lẹ mắt” mà chơi được.

 

Thị trường game online Việt Nam ngay từ màn đầu đã sôi động với sự tham gia của các “đại gia” FPT, VASC,… và càng bất ngờ, sôi động hơn khi có sự góp mặt của Vina Game, được thành lập vào tháng 9/2004 bởi một nhóm gamer trẻ và vừa được Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures đầu tư vào.

 

Tương lai... sẽ còn sôi động

 

Theo ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT: “Gia nhập thị trường game online là thách thức với chúng tôi. Với hai game PTV- Giành lại miền đất hứa và MU-Online, chúng tôi phải đầu tư ngay 5 triệu USD cho phí bản quyền và hệ thống thiết bị. Đây có thể coi đó làm cam kết tài chính của chúng tôi với người chơi game”.

 

               

Khai cuộc Game online   - 2
 

      Game online thu hút nhiều người chơi.

 

Kịch bản của hầu hết các MMORPG đều na ná nhau: chuyển từ thế giới thật sang thế giới mô phỏng, hoàn thiện nhân vật nhập vai bằng cách luyện võ công, làm nhiệm vụ, săn hàng độc, lọt vào top những người mạnh nhất. Một trong những đặc trưng chung nữa khiến MMORPG thu hút người chơi là game không có “đoạn kết” như các game thông thường trước đây.

 

Tuy vậy, giữa các game vẫn có những hấp dẫn riêng, điểm mạnh của MU-Online là “tuyệt chiêu đẹp” trong khi điểm mạnh của PTV là cho hình ảnh “khỏi chê” nhờ công nghệ 3D tương đối hoàn hảo. Nếu Võ lâm truyền kỳ hấp dẫn ở việc cho phép các gamer kết bái-se duyên hay “khai tông lập phái” lẫn nhau thì sự linh hoạt, động não lại là điểm hấp dẫn của Gunbound. Chính những điểm hấp dẫn riêng đó khiến cuộc đua dành thị phần MMORPG tại Việt Nam hứa hẹn sẽ rất gay cấn.

 

Kể từ khi VDC triển khai mạng Internet băng thông rộng ADSL vào tháng 7-2003, số lượng người sử dụng Internet của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu sử dụng Internet, ngoài những lĩnh vực liên quan đến học tập, công việc… thì nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu chính, đặc biệt của giới trẻ.

 

Thế cho nên, ngoài hai nguyên nhân là sự ra đời của Internet ADSL và biện pháp giảm giá sử dụng của cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ thì trò chơi trực tuyến là nguyên nhân chính thứ 3 góp phần làm Internet Việt Nam phát triển đột biến trong hai năm 2003-2004 (tỷ lệ tăng trưởng 250%), ông Hoàng Cát Hải, Phó Giám đốc VDC II cho biết như vậy tại buổi công bố game online Võ Lâm Truyền Kỳ.

 

Ngoài ra, trong tương lai, các nhà cung cấp còn mong muốn có thêm những game online thuần Việt để đa dạng hóa thị trường game Việt Nam.

 

Thị trường game online ở Việt Nam tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng lại thu hút người chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau, nên việc các nhà cung cấp dịch vụ game trong nước chạy đua, cạnh tranh để có được bản quyền là tất yếu. “Cuộc chạy đua ấy dự báo sẽ còn sôi động hơn rất nhiều vào cuối năm nay và đầu năm sau. Khi đó, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều nhà cung cấp game và game online ngoại nhập.

 

Theo SGGP