Kêu trời vì... bảo hành ĐTDĐ
Nhiều người ngại sửa chữa điện thoại di động tại các điểm bán hàng do không tin tưởng tay nghề thợ và sợ bị “luộc” đồ, nhất là bo mạch (có trị giá bằng 80% máy), vì vậy đã chọn các trung tâm bảo hành, bảo trì điện thoại di động quy mô lớn. Tuy nhiên, ở những nơi này cũng có nhiều điều đáng nói.
Mới đây, ông Hòa ở quận Bình Thạnh, TPHCM đã phản ứng trước thái độ phục vụ quá vô trách nhiệm của một trung tâm kinh doanh sửa chữa điện thoại di động trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM. Ông bức xúc: “Tôi bất bình không những vì giá cả dịch vụ mà cái chính là thái độ đối với khách hàng”.
Điệp khúc: Vệ sinh máy 75.000 đồng
Cuối tháng 2 vừa qua chiếc điện thoại Nokia 6220 của ông bỗng trở chứng, âm thanh quá nhỏ, nên rất khó nghe. Mang máy đến trung tâm trên để sửa chữa, ban đầu ông được nhân viên tiếp đón rất lịch sự (có cả cà phê, nước ngọt cho khách nhâm nhi chờ kiểm tra máy). Tiếp tân yêu cầu ông chờ 30 phút (lúc này khoảng 10 giờ sáng). Thế nhưng sau đó ông phải ngồi chờ đến gần 12 giờ nhưng vẫn không thấy ai đả động gì đến mình. Ông hỏi thì được trả lời “đầu giờ chiều quay lại”. Buổi chiều ông nhận được máy với mức phí phải đóng là 75.000 đồng “chi phí vệ sinh máy”.
Về nhà, máy sử dụng tốt được 2 ngày lại tiếp tục trở chứng “từ chối thẻ SIM”. Vì công việc bận rộn nên cuối tuần ông mới mang được máy đến trung tâm trên để sửa chữa. Lần này ông cũng được tiếp tân đón tiếp “nhiệt tình” và nhỏ nhẹ thông báo “quý khách vui lòng chờ 30 phút” như lần trước. Lại chờ đến 12 giờ cũng không thấy ai nói năng gì, ông đành vào bên trong hỏi xem số phận chiếc điện thoại di động của mình được định đoạt như thế nào. Kết quả lại được hẹn “buổi chiều trở lại”. Đầu giờ chiều ông đến và phải chờ đến cuối buổi mới được trả máy và lại bị đóng 75.000 đồng “tiền vệ sinh máy” dù trước đó 1 tuần cũng chính nơi này đã “vệ sinh máy” hết 75.000 đồng.
Máy 3 triệu, sửa chữa 1,8 triệu đồng
Một trường hợp khác, chị Huỳnh Cẩm Nhung ở quận Bình Tân, TPHCM kể, chiếc điện thoại di động LG của chị bị mất nguồn (màn hình không còn hiển thị thông tin). Do máy thuộc loại hiếm nên các cửa hàng bên ngoài không thể sửa chữa, chị mang máy đến Trung tâm Bảo hành của LG trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Tại đây, nhân viên kỹ thuật cho biết “máy không hư hỏng gì” nhưng vẫn yêu cầu chị thanh toán “chi phí vệ sinh máy” 60.000 đồng. Khi chị cho biết máy vừa hết thời kỳ bảo hành, chị mới được miễn phí tiền vệ sinh máy. Về nhà máy tiếp tục trở chứng như cũ. Vài ngày sau chị quay lại trung tâm này thì được nhân viên thông báo là phải thay linh kiện với chi phí 1,8 triệu đồng. Không thể sửa chữa máy với giá 1,8 triệu đồng trong khi giá máy của chị chưa tới 3 triệu đồng nên chị đành bỏ máy này, mua máy mới.
Bỏ cuộc với bảo hành
Chị Mai Ngọc nhà ở quận 1 kể, đầu năm 2005, chị mua chiếc điện thoại di động Nokia 7270 tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 với giá hơn 9 triệu đồng. Mới dùng được hơn 1 tháng, máy bỗng trở chứng “mất màn hình”. Đem máy đến Trung tâm Bảo hành của Nokia trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận để sửa thì được hẹn 2 ngày sau đến nhận lại máy.
Hai tháng sau khi sửa chữa, chiếc điện thoại của chị lại một lần nữa “tái phát bệnh cũ”. Khi đem đến bảo hành lần thứ 2, chị được một nhân viên nam tiết lộ “bệnh này nếu không còn thời gian bảo hành chị phải tốn trên 500.000 đồng”. Sửa chữa lần hai cũng chỉ sử dụng được hơn một tháng... Lần thứ 4 máy của chị cũng vẫn mắc chứng bệnh cũ nhưng không thường xuyên (màn hình lúc có lúc không), do gần hết hạn bảo hành nên lần này chị yêu cầu nhân viên kỹ thuật phải “trị dứt điểm”. Thế nhưng sau khi kiểm tra, nhân viên bảo hành cứ lắc đầu cho rằng “máy hoạt động tốt nên không phải sửa chữa gì”. Quá bực mình “nhưng cãi không lại” chị đem máy về tiếp tục sử dụng trong tình trạng “lúc được, lúc không”.
Tương tự chị Mai Ngọc là trường hợp của anh Trương Hồng Nhựt ở quận 4. Anh mua một chiếc điện thoại với giá trên 2 triệu đồng tại một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu, quận 4 (cửa hàng bảo đảm là hàng chính hãng) nhưng chỉ sau 3 tháng sử dụng máy đã bị hư nguồn, màn hình tối thui. Mang máy ra cửa hàng đến 4 lần và lần nào cửa hàng cũng vui vẻ nhận máy để “gửi đến hãng sửa chữa” nên “giam” máy cả tuần lễ vẫn không khắc phục hoàn chỉnh được. Quá bực mình đến lần thứ 5 máy hư anh “quăng” luôn, chấp nhận tìm mua máy mới...
Khi chúng tôi đặt vấn đề về tình trạng bảo hành kiểu... hành khách như kể trên với một số trung tâm bảo hành đều được giải thích là do “đông khách nên phục vụ thiếu sót” hoặc “đông khách nên nhân viên kỹ thuật không thực hiện đúng quy trình”...
Khiếu nại mới biết bị "hành" Theo Văn phòng Khiếu nại người tiêu dùng phía Nam, từ đầu năm 2005 đến nay, văn phòng đã nhận và giải quyết 20 vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng điện thoại di động và dịch vụ bảo hành. Nhiều khách hàng khiếu nại điện thoại vừa mới mua nhưng máy hư liên tục, họ phải đi sửa nhiều lần, nhưng vẫn bị một số trung tâm bảo hành hoặc các cửa hàng bán máy “hành”. Cụ thể như trường hợp của anh Vũ Ngọc Dũng, ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức - TPHCM mua điện thoại tại một cửa hàng gần khu vực nhà mình và được ghi phiếu bảo hành đến một năm. Sử dụng được một hai tháng thì điện thoại bị hư, sửa đi sửa lại nhiều lần vẫn không sử dụng được. Lần cuối cùng cửa hàng giữ điện thoại của anh quá lâu, anh đến đòi thì khất hẹn. Chờ đợi mãi rồi cuối cùng họ kết luận: “Tem bảo hành bị rách nên không bảo hành tiếp”. Anh đến văn phòng khiếu nại và nhờ cả công an phường can thiệp thì cửa hàng này mới tiếp tục bảo hành máy cho anh. Anh Huỳnh Văn Còn ở tận Bến Tre còn khổ hơn. Cuối năm 2005, anh mang chiếc điện thoại Siemens đến một trung tâm chăm sóc khách hàng tại Q.1 để sửa vì máy nghe không rõ và bị tắt nguồn. Trung tâm này giữ máy của anh gần cả tháng. Đi lại khó khăn, nhưng khi anh đến hỏi thì nơi đây trả lời: “Chưa có phụ tùng thay thế”. Bức xúc, anh đi khiếu nại thì mới được thay phụ tùng mới. |
Theo Người Lao động