1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

IPU-132 bàn về chiến tranh mạng

Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”- ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay nhận định.

IPU-132 bàn về chiến tranh mạng
Ủy ban thường trực về hoà bình và an ninh quốc tế của IPU thảo luận về chủ đề chiến tranh mạng. Ảnh: VGP/Thu An
 
Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132, ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ  Đình, Hà Nội, Ủy ban thường trực về hoà bình và an ninh quốc tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới".

Báo cáo chung của Ủy ban này tại phiên thảo luận cho biết, những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao.

Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.

Ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay - đồng báo cáo viên của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế cho biết, chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vì thế, việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng.

Còn theo ông Wang Xiao Chu - đoàn Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác với nhau để xây dựng một không gian mạng an toàn, ổn định và thịnh vượng vì hòa bình và an ninh thế giới.

Dự thảo nghị quyết của IPU-132 về Chiến tranh mạng do các báo cáo viên trình bày tại phiên thảo luận khẳng định rằng, chiến tranh mạng được định nghĩa là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng và chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132, góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.

Giới trẻ dễ bị tác động nhất

"Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" cũng là chủ đề được các nghị sĩ trẻ thảo luận tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ diễn ra sáng cùng ngày, bên cạnh vấn đề về an ninh nguồn nước.

Hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng đây là chủ đề quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và bùng nổ kỷ nguyên kỹ thuật số với nhiều công nghệ thông minh.

Theo các đại biểu, hiện nay mỗi cá nhân, mỗi Chính phủ có những cách hiểu khác nhau về chiến tranh mạng, nên điều đầu tiên là phải nhanh chóng đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đồng thời làm rõ nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn từ 2 loại hình tội phạm này cũng như về tầm quan trọng của việc ngăn chặn chúng.

Các đại biểu cũng cho rằng, với sự kết nối Internet và bùng nổ các công nghệ hiện đại, chiến tranh mạng và tội phạm mạng tác động đến mọi Chính phủ, tổ chức và người dân. Trong đó, giới trẻ là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất.

Giới trẻ vừa “nhạy cảm” với những đổi mới về công nghệ, vừa chưa có đủ năng lực để nhận thức đúng về những tác động mặt trái của các vấn đề mạng, cũng như chưa thể tự bảo vệ mình trước các loại hình tội phạm mạng, chiến tranh mạng ngày càng diễn ra tinh vi, thường xuyên hơn.

Để đối phó hiệu quả với các cuộc chiến tranh mạng, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên Hợp Quốc nhanh chóng xây dựng Hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận (0)
để gửi bình luận