iPhone 15 và tham vọng của Tim Cook | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

iPhone 15 và tham vọng của Tim Cook

Thế Anh

(Dân trí) - Apple đang thể hiện rõ quyết tâm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi triển khai lắp ráp dòng sản phẩm iPhone 15 tại nhà máy ở Ấn Độ.

Nguồn tin từ Bloomberg cho biết Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, đang bắt đầu quá trình lắp ráp dòng sản phẩm iPhone 15 tại nhà máy Sriperumbudur ở Ấn Độ.

iPhone 15 và tham vọng của Tim Cook - 1

Nguồn tin từ chuỗi cung ứng cho biết iPhone 15 đang được lắp ráp tại nhà máy ở Ấn Độ (Ảnh: SCMP).

Đây được xem là một trong những động thái mạnh mẽ của Apple trong việc thực hiện mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn liên tục gia tăng.

Trước đây, việc lắp ráp iPhone tại Ấn Độ thường được triển khai chậm hơn 6-9 tháng so với Trung Quốc. Tuy vậy, công ty đã liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất iPhone tại quốc gia này. Báo cáo từ Bloomberg tiết lộ đến tháng 4, khoảng 7% sản lượng iPhone đã được lắp ráp tại nhà máy ở Ấn Độ.

Bên cạnh Foxconn, các đối tác gia công khác của Apple tại Ấn Độ như Pegatron Corp và một nhà máy của Wistron Corp (được Tập đoàn Tata mua lại) cũng sẽ sớm sản xuất iPhone 15.

Joey Yen, một nhà phân tích công nghệ của IDC, nhận định rằng Ấn Độ đang nổi lên như một giải pháp thay thế quan trọng cho các hoạt động sản xuất thiết bị điện tử bên ngoài Trung Quốc.

"Ấn Độ đang học hỏi từ thành công của Trung Quốc trong những năm qua. Nơi đây có tiềm năng tương tự để trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc gia này có lực lượng lao động dồi dào, trẻ tuổi và một thị trường nội địa rộng lớn", Yen cho biết.

Vài năm gần đây, Apple đã yêu cầu các đối tác mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào Ấn Độ và Việt Nam. Nguyên nhân do sự gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19 cũng như những xung đột địa chính trị.

iPhone 15 và tham vọng của Tim Cook - 2

Apple đã liên tục yêu cầu các đối tác mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Dù vậy, theo nhận định từ nhiều chuyên gia về chuỗi cung ứng, gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ khó có thể giảm hoàn toàn sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong tương lai gần.

"Không có nghi ngờ gì về việc ngành sản xuất công nghệ muốn chuyển ra khỏi Trung Quốc. Họ không thể chịu được rủi ro tiếp tục bị gián đoạn nguồn cung và muốn kiểm soát tốt hơn khả năng phục vụ khách hàng.

Tuy nhiên, việc rời khỏi thị trường Trung Quốc không hề đơn giản. Quá trình chuyển đổi cũng sẽ mất nhiều thời gian cũng như sự đầu tư", Lisa Anderson, CEO của LMA Consulting Group, cho biết.

Theo CNBC, Nikkei Asia