Internet sẽ trở thành... ổ cứng?

Nhiều lúc bạn đã phải khổ sở, đau đầu vì phải tính toán việc nâng cấp ổ cứng, từ vài GB lên đến vài chục GB hay thậm chí là hàng trăm GB. Tuy nhiên, một ngày không xa nữa, rất có thể bạn sẽ không phải tiếp tục mua thêm ổ cứng mà thay vào đó sử dụng Internet cho việc lưu trữ mọi dữ liệu.

Tự động đồng bộ hoá

 

Trên thực tế, những dịch vụ web cho phép bạn làm điều đó đã bắt đầu hiện hữu khắp nơi, và việc nó trở nên phổ biến như ổ cứng cá nhân có thể chỉ là vấn đề thời gian. Mấu chốt của những dịch vụ này là, chúng không chỉ lưu trữ dữ liệu trực tuyến mà còn tự động đồng bộ hoá nội dung trên mọi thiết bị của người dùng, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động (ĐTDĐ)...

 

Chẳng hạn, nếu bạn thay đổi hoặc soạn thảo thêm vào một văn bản, hoặc chỉnh sửa một bức ảnh, sau đó lưu nó trên máy tính ở cơ quan, thì phiên bản trực tuyến cũng được tự động cập nhật theo, rồi tự động cập nhật cho máy tính ở nhà, máy tính xách tay, ĐTDĐ... để công việc có thể tiếp nối trơn tru cho dù bạn có chuyển đổi vị trí và phương tiện làm việc.

 

Đối với các file ảnh kỹ thuật số, việc này hiện đã có thể thực hiện một cách đơn giản với dịch vụ Sharpcast. Người dùng chỉ cần cài phần mềm này vào các thiết bị của mình, và việc đồng bộ hoá sẽ được thực hiện mà thậm chí họ không bao giờ phải nghĩ tới hay bấm một nút nào. Thậm chí, nếu họ chụp hình bằng ĐTDĐ, bức ảnh cũng có thể được cập nhật trực tiếp lên mạng và tới các thiết bị khác của cùng chủ nhân. Sharpcast dự định sắp tới sẽ tiếp tục tung ra các dịch vụ giúp đồng bộ hoá các dữ liệu khác như danh bạ, lịch làm việc...

 

Trong khi đó thì một số công ty khác đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho phép lưu trữ và đồng bộ hoá mọi loại dữ liệu. Mới nhất và ưu việt nhất trong số này là dịch vụ MediaMax của Streamload. Người dùng có thể thiết lập để dịch vụ này liên tục tự động đồng bộ hoá toàn bộ nội dung lưu trữ của mình hoặc từng phần theo lựa chọn.

 

Thêm vào đó, họ còn có thể mời người thân, bạn bè liên kết đồng bộ hoá dữ liệu với mình. Streamload cho phép lưu trữ 25GB miễn phí, người dùng phải trả tiền cho những yêu cầu lưu trữ lớn hơn. Tương tự, trên Internet hiện nay còn có các dịch vụ BeInSync của Israel hay FolderShare của Microsoft.

 

Tương lai sẽ ra sao?

 

Với những dịch vụ kiểu này, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là tốc độ kết nối Internet. Các chuyên gia cho rằng, khi Internet băng rộng đã trở nên đủ phổ biến và đủ nhanh, người dùng có thể sẽ không cần lưu các phiên bản trên các thiết bị. Khi đó, các ổ cứng cá nhân có thể được thay thế hoàn toàn bởi các máy chủ Internet, và các thiết bị thay vì truy xuất dữ liệu từ các ổ cứng nội bộ sẽ làm việc đó từ một kho dữ liệu trực tuyến thống nhất.

 

Trong lúc chờ đợi viễn cảnh đó thì những dịch vụ sao lưu dự phòng trực tuyến, cả tự động và không tự động, vẫn đang phát triển ngày càng mạnh, với sự tham gia của cả những đại gia như Amazon.

 

Amazon S3 là một dịch vụ cơ sở dữ liệu trực tuyến  hiệu quả và chi phí thấp, giúp các công ty nhỏ có thể sử dụng thay vì xây dựng và quản lý những trung tâm dữ liệu riêng, từ đó tiết kiệm hàng nghìn đến hàng trăm nghìn USD. Amazon tiết lộ, S3 sẽ là cơ sở để thúc đẩy sự nở rộ của một thế hệ dịch vụ web mới dựa trên lưu trữ trực tuyến.

 

Tuy nhiên, ngay cả khi khả năng kết nối trở nên tiến bộ hơn thì một rào cản nổi cộm và nhức nhối nhất hiện nay vẫn đang đe doạ tương lai của các dịch vụ lưu trữ trực tuyến là vấn đề an ninh.

 

Liệu đến bao giờ chúng ta sẽ có đủ tin tưởng để trao toàn bộ những dữ liệu nhạy cảm của mình lên mạng để truy cập từ mọi nơi, khi mà tin tặc cũng có thể xâm nhập trái phép vào đó?

 

Theo Tuấn Anh

Lao động