Internet không làm thui chột kỹ năng giao tiếp

Hiện nay, những bức thư, văn bản, giấy tờ viết tay đang dần khan hiếm song song với sự phổ biến của tin nhắn di động, tin nhắn nhanh và e-mail. Đồng thời, sự hình thành Thế hệ đa nhiệm (Multitasking Generation) cũng làm nhiều người lo ngại.

Nghiên cứu IPA TouchPoints (được thực hiện bởi BBC, ITV và nhiều cơ quan báo chí Anh với vốn đầu tư lên đến hơn 1 triệu USD) cho thấy hơn một nửa giao tiếp dưới dạng viết được thực hiện bằng e-mail, 29% qua tin nhắn nhanh và chỉ 13% cần đến giấy và bút.

Nhiều chuyên gia cho rằng kỹ năng viết tay đang có nhiều dấu hiệu bị mai một bởi giờ đây trẻ em chỉ còn biết gõ và bấm phím. Cuộc sống gắn liền với những hoạt động trên Internet cũng sinh ra một thế hệ mới: những người có thể thực hiện nhiều công việc một lúc.

"Thế hệ đa nhiệm" không tìm đến một góc yên tĩnh trong thư viện trường mà sẽ viết tiểu luận lịch sử trong khi vẫn tranh thủ gửi e-mail, chat, nghe nhạc và tải phim. 9h30 tối, Stephen và Georgina Cox (tại Los Angeles, Mỹ) biết chính xác con mình đang ở đâu. Piers, 14 tuổi, đang ngồi trên giường, dán mắt vào màn hình máy tính, đăng nhập chatroom của MySpace và dịch vụ tin nhắn nhanh AIM được đã hơn 3 tiếng. Cô em gái Bronte thì ở phòng khách, "trưng dụng" máy Mac của bố, tíu tít tán gẫu qua Yahoo Messenger, "buôn" điện thoại và ngó qua bài tập về nhà.

"Tôi sở hữu một máy tính riêng năm 12 tuổi. Từ khi "di cư" sang bàn phím, khả năng viết lách của tôi giảm hẳn, nếu không muốn nói giờ chúng chỉ còn là những nét ngoằn ngoèo có nghĩa", Steven Johnson, tác giả cuốn Everything Bad Is Good for You: How Today's Popular Culture Is Actually Making Us Smarter (Văn hóa hiện nay thực sự đang khiến ta thông minh hơn), kể lại. "Một chuyện gia trong ngành giáo dục khi chứng kiến xu hướng này cũng thốt lên rằng đây đúng là thảm họa. Máy tính làm cho khả năng giao tiếp của con người bị suy thoái nghiêm trọng".

Tuy nhiên, Johnson khẳng định kết luận đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu đặt lên bàn cân so sánh với những lợi ích mà máy tính mang lại: "Hầu như công nghệ mới nào cũng sẽ nhận được những lời khen - chê. Tại sao ta phải viết tay khi tốc độ soạn văn bản trên bàn phím nhanh hơn, mà lại có thể chỉnh sửa, rà soát lỗi, trích dẫn, gửi e-mail, đăng lên blog và tìm lại trên Google khi cần?".

Bàn về "thế hệ đa nhiệm", Johnson thừa nhận rằng thực hiện quá nhiều thao tác một lúc trước màn hình sẽ khiến trẻ em khó tập trung vào những việc như đọc sách hay giải phương trình. Dù vậy, bọn trẻ đang coi màn hình là cánh cửa khám phá thế giới. Chúng viết blog, xây dựng trang MySpace và tự tạo site ủng hộ thần tượng. Chúng chơi nhiều game phức tạp như Civilization IV, trong đó người chơi tái tạo lại toàn bộ lịch sử kinh tế và kỹ thuật của loài người.

Qua những hoạt động đó, trẻ em đang hình thành nên những tư duy kiểu mới. Chúng học cách phân tích những hệ thống phức tạp, làm quen với nhiều kiểu giao diện mới, tìm và cập nhật thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác nhau, xây dựng và duy trì mạng xã hội thông qua môi trường thực và ảo, thích nghi với công nghệ hiện đại... "Đây chẳng phải những đức tính mà người ta cần ở một nhân viên hay sao?", Johnson nói. "Đáng mừng hơn, trẻ em đang học những kỹ năng này một cách tự nguyện và vào thời gian rảnh. Tuy nhiên, chúng cũng cần cân bằng giữa việc lướt web, chơi game và đọc sách kiểu cũ".

Theo P.T.

VnExpress/Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm