1. Dòng sự kiện:
  2. Hướng dẫn sử dụng AI
  3. Đánh giá sản phẩm

Kỷ niệm 10 năm Internet tại Việt Nam:

Internet đã biến đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống

(Dân trí) - Chính thức kết nối với thế giới từ 19/11/1997, sau 10 năm mạng thông tin toàn cầu Internet đã trở thành dịch vụ phổ thông và thiết yếu, không thể thiếu và có ảnh hưởng sâu rộng tới thói quen, sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân Việt Nam, mở ra cả một xa lộ hướng tới tương lai về xã hội thông tin cho đất nước.

Buổi lễ kỷ niệm 10 năm Internet tại Việt Nam tổ chức tại TT Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối qua, 29/11/2007 đã diễn ra hoành tráng và sôi nổi.

VNPT là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia cung cấp kết nối Internet, hiện cũng là nhà cung cấp dịch vụ có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ông Phạm Long Trận, chủ tịch HĐQT VNPT phát biểu:  “Chúng ta có thể tự hào rằng chất lượng Internet của Việt Nam không hề thua kém trong khi cước truy cập thuộc hàng rẻ nhất so với các nước trong khu vực với đầy đủ các loại hình dịch vụ.

10 năm qua Internet đã trở thành một bộ phận cơ sở hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước. So với 10 năm trước, tốc độ truy cập Internet hiện nay tăng tới 7.500 lần, từ kết nối 2 Mbps đi Mỹ và Úc trước đây mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5 Gbps đi nhiều nước khác nhau. Số người sử dụng lên tới 18 triệu, chiếm 21% dân số cả nước. Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ phát triển Internet trên thế giới”.

Bắt đầu từ ngày 19/11/1997, Internet lúc ấy là một công nghệ mang đậm chất kỹ thuật và rất đắt đỏ, chỉ dành cho những người thu nhập cao, cán bộ cao cấp hoặc doanh nghiệp lớn, đến nay mạng thông tin toàn cầu đã trở thành dịch vụ không thể thiếu, ảnh hưởng sâu rộng tới thói quen, sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân Việt Nam.

Vinh danh những đơn vị có đóng góp xuất sắc đối với phát triển Internet trong 1 thập kỷ đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng kỷ niệm chương cho 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam gồm: Viettel, VDC, NetNam, SPT và EVN. Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp và nguyên Bộ trưởng BC-VT Đỗ Trung Tá đã trao bằng khen cho các đơn vị: báo điện tử VietNamNet, Hội Tin học Việt Nam, báo điện tử VnExpress, FPT Telecom, NetNam…

Internet đã biến đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống  - 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “10 năm là quãng đường ngắn nhưng Internet đã mở ra cả một xa lộ hướng tới tương lai về xã hội thông tin cho Việt Nam”  (ảnh: Bảo Trung)

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT (nay là Bộ TT-TT), người được CLB nhà báo CNTT bình chọn là người “có ảnh hưởng nhất tới Internet Việt Nam” kể về những ngày đầu đầy khó khăn: :“Quả thật là ngay ban đầu, chúng tôi cũng không hài lòng với chỉ đạo của cấp trên. Nhưng rồi cũng phải chấp nhận cái “tạm thời” để rồi làm tiếp chứ cứ đòi hỏi, tranh luận mãi thì Internet không bao giờ ra được. Nhưng phải qua thực tiễn Internet 1 năm chúng tôi mới có cơ sở để báo cáo với cấp trên, có khi rất quyết liệt, là phải mở”.

Ông Trực cho rằng mỗi giai đoạn đều có giới hạn nhận thức nhất định. So với Nghị định 21 ra đời năm 1997 thì Nghị định 55 ra đời năm 2001 được xem là “cuộc cách mạng thứ 2 cho Internet”. Nhưng đến nay, những nội dung của Nghị định 55 nhiều điểm đã trở nên không còn hợp lý và Bộ TT-TT sắp phải có một nghị định mới thay thế cho nó.

Đại diện cho Bộ TT-TT, cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về Internet hiện nay thay cho 3 bộ BC-VT, VH-TT và Bộ Công an trước đây, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói: “Chúng ta cần có những chính sách mang tính đột phá để ngành Internet Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đúng hướng hơn và đem lại lợi ích cho con người thiết thực hơn”.

Internet đã biến đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống  - 2
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Chúng ta cần có những chính sách mang tính đột phá để ngành Internet Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn"  (ảnh Bảo Trung)

Bộ trưởng cũng đưa 5 giải pháp đồng bộ để phát triển Internet, gồm tăng cường nhận thức, xã hội hóa để phát triển hạ tầng cho Internet tốt hơn, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào cung cấp và khai thác dịch vụ Internet, tích cực đưa Internet về nông thôn và cuối cùng là tiếp tục định hướng đào tạo nguồn nhân lực để có được nguồn lao động có trí thức, có kiến thức, có tấm lòng, có sức khỏe, có trách nhiệm để chúng ta chọn lựa và vận dụng những tiến bộ này tốt nhất, khai thác trong phát triển và đi lên.

Bảo Trung