1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

IBM siêu đột phá với chip 30 nanomet

Công ty máy tính Mỹ vừa cho biết các chuyên gia chế tạo chip xử lý của IBM đã nghiên cứu thành công loại chip xử lý mà bề dày của các vòng mạch bán dẫn chỉ còn 29,9 nanomet.

IBM đã bất ngờ công bố phát minh này tại một hội thảo về công nghệ in nano siêu bán dẫn được tổ chức vào sáng thứ Hai (ngày 20/2) tại San Jose (Mỹ). Bề dày hoặc khoảng cách của các vòng mạch bán dẫn (hoặc kích thước transitor) theo công nghệ đột phá của IBM hiện chỉ còn 29,9 nanomet, tức nhỏ hơn 3000 lần so với sợi tóc con người.

 

Đại đa số các bộ vi xử lý máy tính hiện nay đều được chế tạo bằng bằng công nghệ chip 90 nanomet. Loại chip 65 và 45 nanomet đã được nghiên cứu thành công nhưng phải đến vài năm nữa mới có mặt trên thị trường, và nay IBM đã đột phá đến loại chip 30 nanomet.

 

Các nhà sản xuất chip xử lý trên thế giới hiện nay vẫn không ngừng tìm mọi cách giảm thiểu kích thước của các transitor xử lý xuống càng nhỏ càng tốt, cũng như giảm khoảng cách giữa chúng sao cho có thể “nhét” càng nhiều transitor càng tốt trên cùng một bản mạch silicon. Định luật Moore ra đời cách đây 40 năm đã tiên đoán rằng số lượng transitor trên một bản mạch silicon sẽ luôn tăng gấp đôi cứ sau 18 tháng, và đến nay IBM vẫn nối tiếp truyền thống của cha ông để đảm bảo cho định luật Moore tồn tại thêm một thời gian dài nữa.

 

Các công ty sản xuất chip xử lý khác hiện nay đã nghiên cứu thành công đến loại chip xử lý 45 nanomet và đang “mon men” nghiên cứu loại chip công nghệ 32 nanomet. Intel là công ty tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng ngay cả các chuyên gia của Intel cũng cho rằng 32nm là giới hạn tột cùng của công nghệ in chạm khắc transitor bằng tia cực tím hiện tại. Thật không ngờ IBM đã phá vỡ rào cản công nghệ bằng công nghệ độc đáo của mình.

 

Trung tâm nghiên cứu Almaden của IBM và ISR Micro (một công ty cũng trong thung lũng Silicon) cho biết rằng họ đã sử dụng một số công nghệ in quang học mới để tạo ra loại transitor siêu nhỏ này bằng cách cho các tia laser đi xuyên qua một môi trường khúc xạ đậm đặc nào đó, tạo điều kiện cho các transitor nhỏ đi nhiều và khoảng cách giữa chúng cũng rút ngắn vô cùng ấn tượng. Công nghệ này đòi hỏi có những thấu kính chỉ mục cực cao và có thể đạt đến việc giảm thiểu kích thước transitor xuống chỉ còn 22nm.

 

Các chuyên gia nhận định rằng phát minh đột phá tuyệt hảo này của IBM sẽ mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho nền công nghiệp sản xuất chip bán dẫn xử lý trong tương lai. Tiến sĩ Bob Allen ở Almaden nhận định rằng sau “chiến công” 30 nm này thì nền công nghiệp nghiên cứu chip xử lý thế giới có thể tạm thời “ngủ yên” trong khoảng 7 năm nữa để chuyên tâm cho việc nghiên cứu hoàn thiện và triển khai sản xuất, cho đến khi nhu cầu của loài người đòi hỏi cần phải có những công nghệ chip xử lý tiên tiến hơn.

 

Theo Hoàng Kim Anh

Tuổi trẻ/Finalcial Times