Hướng dẫn cài đặt bản thử nghiệm Windows 10 song song với Windows hiện có
(Dân trí) - Bạn muốn khám phá bản thử nghiệm mới nhất của Windows 10, nhưng e ngại sẽ ảnh hưởng đến hệ thống hiện tại? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chạy Windows 10 song song với hệ điều hành hiện tại, để trở về trạng thái cũ bất cứ khi nào mình muốn.
Technical Preview là phiên bản thử nghiệm của Windows 10 được ra mắt để người dùng thử nghiệm và đánh giá về hệ điều hành mới.
Mặc dù phiên bản này vẫn còn ẩn chứa một số lỗi do chỉ mới là phiên bản thử nghiệm sơ khai, tuy nhiên nếu nóng lòng muốn trải nghiệm hệ điều hành mới nhất Windows 10, nhưng vẫn muốn đảm bảo một giải pháp an toàn để quay trở lại hệ điều hành cũ nếu không muốn tiếp tục sử dụng, cài đặt song song Windows 10 và hệ điều hành sẵn có trên máy tính là giải pháp hiệu quả nhất.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách thức để thực hiện điều này.
Cấu hình yêu cầu để sử dụng bản thử nghiệm Windows 10
Phiên bản thử nghiệm của Windows 10 không yêu cầu một cấu hình quá cao để sử dụng. Máy tính đáp ứng những yêu cầu sau có thể cài đặt và thử nghiệm Windows 10 Technical Preview:
- Vi xử lý: Lõi kép 1GHz trở lên.
- Bộ nhớ RAM: 1GB (với phiên bản Windows 32-bit) và 2GB (với phiên bản 64-bit).
- Ổ cứng trống tối thiểu: 16GB
Các bước chuẩn bị
Đầu tiên, bạn download file ảnh đĩa (định dạng .iso) của Windows 10 Technical Preview tại đây (Bao gồm phiên bản 32-bit và 64-bit).
Sau khi download, bạn có thể sử dụng các phần mềm ghi đĩa để ghi file iso này vào đĩa DVD. Bạn có thể download phần mềm Portable CDBurner XP tại đây để thực hiện việc ghi đĩa (sau khi download, giải nén và kích hoạt file cdbxpp.exe có trong đó để sử dụng ngay mà không cần cài đặt).
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cách thức khởi động và cài đặt từ USB. Về cơ bản, cách thức sử dụng USB để cài đặt sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn so với việc sử dụng đĩa DVD.
Bạn thực hiện theo các bước sau để tạo USB khởi động và cài đặt Windows 10:
- Đầu tiên, cắm USB vào máy tính.
Lưu ý: USB phải có dung lượng > 3GB. Trong quá trình sử dụng sẽ format lại toàn bộ dữ liệu trên USB, do vậy, bạn nên sao lưu dữ liệu có trên đó để không bị mất.
- Nếu đang sử dụng Windows XP, đầu tiên, bạn download phần mềm mang tên gọi Microsoft Image Mastering API V2 tại đây, tiến hành cài đặt phần mềm này lên máy.
- Tiếp theo, cài đặt .NET Framework 2.0 Service Pack 2 tại đây rồi tiến hành cài đặt.
Lưu ý: nếu bạn đang sử dụng Windows Vista trở lên (Windows 7, 8) có thể bỏ qua 2 bước này.
- Tiếp theo, download phần mềm Windows 7 USB/DVD Download Tool miễn phí tại đây (có thể sử dụng cho mọi phiên bản Windows, kể cả Windows 8 và 8.1).
Lưu ý: Nếu tiến hành cài đặt mà hiện ra thông báo lỗi, bạn hãy cài đặt thêm 2 phần mềm đã được cung cấp ở trên.
- Sau khi cài đặt đầy đủ 3 ứng dụng trên, kích hoạt phần mềm Windows 7 USB/DVD Download Tool, từ giao diện hiện ra, nhấn nút Browse, tìm đến file iso đã download được từ trước rồi nhấn Next.
- Bước tiếp theo, chọn “USB Device”, rồi chọn phân vùng của USB mà bạn đã cắm vào máy từ danh sách các thiết bị gắn ngoài mà phần mềm liệt kê, rồi nhấn nút “Begin Copying” để phần mềm bắt đầu sao chép bộ cài đặt Windows 10 vào USB.
- Phần mềm sẽ bắt đầu quá trình sao chép và tạo bộ cài đặt từ file iso vào USB. Nhấn “Eraser” và nhấn “Yes” ở các hộp thoại hiện ra sau đó để xóa toàn bộ dữ liệu có trên USB. Quá trình này sẽ format toàn bộ dữ liệu trên USB, do vậy bạn cần phải sao lưu dữ liệu trên đó trước khi tiến hành.
- Sau khi quá trình này kết thúc, khởi động lại máy tính. Nếu máy tính của bạn chưa thiết lập chế độ khởi động từ USB (hoặc từ ổ đĩa DVD nếu bạn dùng DVD để cài đặt), hãy truy cập vào BIOS của máy tính (bằng cách nhấn phím F2 hoặc phím Delete trong bước đầu tiên của quá trình khởi động), tìm đến mục menu Boot, thay đổi thứ tự khởi động của ổ USB (External Device) hoặc ổ đĩa quang (CD/DVD) lên hàng đầu tiên.
- Lưu lại các thiết lập trong BIOS rồi khởi động lại máy để bắt đầu quá trình cài đặt Windows 10.
Lưu ý: tại mục thiết lập BIOS, nếu có mục “External Device Boot”, bạn chuyển thành “Enabled” để cho phép máy tính khởi động từ USB.
Thiết lập BIOS để khởi động từ USB
Hướng dẫn các bước cài đặt
Sau khi thiết lập BIOS và cắm USB hoặc bỏ đĩa DVD vào ổ đĩa, hệ thống sẽ tự khởi động từ 2 thiết bị này. Giao diện khởi động của Windows 10 sẽ được hiện ra.
Giống như quá trình cài đặt các phiên bản Windows trước đây (từ Windows Vista), bước đầu tiên, quá trình yêu cầu chọn ngôn ngữ và định dạng thời gian để sử dụng cho Windows 10. Chọn “Vietnamese” ở mục thứ 2, sau đó nhấn Next để tiếp tục.
Nhấn “Install Now” ở bước tiếp sau, kích vào đồng ý các điều khoản sử dụng Windows ở hộp thoại sau đó trước khi nhấn Next để tiếp tục.
Ở bước tiếp theo sau đó, người dùng có thể chọn để nâng cấp phiên bản Windows hiện tại lên phiên bản thử nghiệm của Windows 10, hoặc có thể cài đặt song song phiên bản Windows hiện tại với phiên bản Windows sẵn có trên máy tính.
Tại đây, bạn nhấn chọn mục “Custom: Install Windows Only”.
Sau khi chọn, một hộp thoại hiện ra cho phép bạn chọn phân vùng để cài đặt Windows 10 lên đó. Bạn phải chọn một phân vùng ổ cứng riêng biệt so với phân vùng chứa phiên bản Windows sẵn có trên máy tính để cài đặt Windows 10, giúp 2 phiên bản Windows có thể chạy song song với nhau.
Lưu ý: dữ liệu sẵn có trên phân vùng ổ cứng được bạn chọn vẫn sẽ được giữ nguyên và không bị ảnh hưởng sau khi cài đặt bản thử nghiệm Windows 10 lên đó.
Chờ trong giây lát để quá trình cài đặt diễn ra và hoàn tất.
Sau khi cài đặt kết thúc, máy tính sẽ khởi động lại. Lúc này, bạn hãy rút USB hoặc DVD ra khỏi máy tính để hệ thống không tiếp tục khởi động từ 2 thiết bị này. Sau khi khởi động hoàn tất, hệ thống sẽ bắt đầu các quá trình nâng cấp lên phiên bản mới.
Ở đây, do ta cài đặt song song Windows 10 Technical Preview với phiên bản Windows sẵn có trước đó, trong khi khởi động một menu hiện ra cho phép người dùng chọn phiên bản hệ điều hành để sử dụng. Tại đây bạn chọn “Windows Technical Preview”.
Còn nếu cài đặt bản thử nghiệm của Windows 10 song song với Windows XP/Vista, quá trình sẽ tự động khởi động vào Windows 10.
Lưu ý: Bước đầu tiên của quá trình thiết lập, Windows 10 sẽ yêu cầu người dùng kết nối Internet. Tuy nhiên, bạn nên ngắt mọi kết nối Internet (Wifi hoặc cáp Internet) để quá trình thiết lập sau đó diễn ra nhanh chóng và đơn giản hơn. Sau khi thiết lập xong, bạn có thể kết nối lại Internet sau.
Tại giao diện hiện ra sau đó, bạn nhấn chọn “Use express settings” để sử dụng thiết lập mặc định của hệ thống.
Do không có kết nối Internet, quá trình thiết lập sẽ không yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản Microsoft mà thay vào đó cho phép khởi tạo tài khoản sử dụng trên máy tính. Sau khi khởi tạo tài khoản sử dụng, máy tính sẽ tự động thực hiện thêm một vài bước thiết lập và hoàn tất quá trình cài đặt.
Như vậy, bạn đã hoàn tất các bước của quá trình cài đặt bản thử nghiệm Windows 10. Bây giờ bạn đã có thể trải nghiệm và khám phá phiên bản Windows mới nhất vừa được Microsoft phát hành ngay trên máy tính của mình.
Lưu ý: trong quá trình cài đặt nếu hiện ra hộp thoại yêu cầu bạn điền mã bản quyền của Windows 10, bạn có thể sử dụng đoạn mã sau do Microsoft cung cấp: NKJFK-GPHP7-G8C3J-P6JXR-HQRJR (có thể sử dụng chung cho cả phiên bản Windows 32-bit và 64-bit)
Hướng dẫn để khởi động song song Windows 10 và hệ điều hành cũ (XP/Vista)
Như trên đã đề cập, nếu cài đặt song song bản thử nghiệm Windows 10 với các phiên bản Windows cũ (XP/Vista), thì sau khi cài đăt, hệ thống sẽ tự khởi động vào Windows 10.
Trong trường hợp bạn muốn sử dụng song song cả 2 hệ điều hành (cũ và mới), từ Windows 10, bạn nhấn tổ hợp phím Windows và R (Windows là phím có biểu tượng cửa sổ, nằm giữa phím Ctrl và Alt trên bàn phím).
Từ hộp thoại Run hiện ra, bạn điền SystemPropertiesAdvanced.exe vào hộp thoại rồi nhấn Enter. Hộp thoại System Properties hiện ra, bạn nhấn vào nút Settings tại mục "Startup and recovery".
Thêm 1 hộp thoại mới hiện ra, tại đây, ở phần System Startup, bạn chọn mục Earlier Version of Windows ở mục “Default operating system” rồi lưu lại thiết lập. Bây giờ, mỗi khi khởi động, máy tính sẽ đưa ra 2 tùy chọn cho phép bạn chọn hệ điều hành để sử dụng.
Cảm nhận đầu tiên về bản thử nghiệm Windows 10
Trong quá trình sử dụng Windows 10 Technical Preview cho thấy phiên bản thử nghiệm này hoạt động khá ổn định, mặc dù chỉ mới là phiên bản thử nghiệm sơ khai. Hệ điều hành hoạt động mượt mà trên các máy tính có cấu hình khá trở lên.
Điểm cải tiến ấn tượng và đáng chú ý nhất trên Windows 10 chính là Start Menu đã được khôi phục lại như trước đây, kết hợp với giao diện Live Tiles cho phép người dùng dễ dàng kích hoạt các ứng dụng của Windows đã được cài đặt.
Giao diện Start Menu mới trên Windows 10
Giao diện báo điện tử Dân trí trên trình duyệt Internet Explorer 11 của Windows 10
Nhìn chung, bạn có thể thử cài đặt và trải nghiệm phiên bản thử nghiệm của Windows 10 này. Bản thử nghiệm cho phép sử dụng thử đến tháng 4/2015, rất có thể đây chính là thời điểm phiên bản Windows 10 chính thức được trình làng.
Phạm Thế Quang Huy