Huawei rốt ráo chuẩn bị cho 5.5G
(Dân trí) - Sau sự thành công của 5G, kỷ nguyên 5.5G đang đến gần, và các công ty trong ngành cần phải hợp tác làm việc cùng nhau để đưa ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp mới.
Đây là nhận định của ông David Wang, Giám đốc điều hành Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Cơ sở hạ tầng ICT của Huawei.
Chia sẻ tại tuần lễ Đổi mới sáng tạo Win-Win của Huawei diễn ra từ ngày 18/7, ông Wang cho rằng mặc dù số hóa đã nhanh chóng đi đúng quỹ đạo, nhưng các nhà quản lý cần hướng tới yêu cầu lớn hơn đối với các mạng công nghiệp thế hệ tiếp theo.
Cụ thể, đại diện của Huawei nhấn mạnh rằng mọi nút thắt tắc nghẽn trong điện toán như bức tường bộ nhớ, sử dụng bất cân bằng tài nguyên trung tâm dữ liệu, hiệu suất năng lượng thấp… đang cản trở đà tăng trưởng của nhu cầu điện toán mới.
Do đó, để giải quyết các thách thức này, ngành công nghiệp cần phải đổi mới ở cấp độ kiến trúc và hệ thống để thúc đẩy khả năng cung cấp điện toán, mà câu trả lời ở đây chính là hệ sinh thái 5.5G.
Để đạt được điều nêu trên, toàn ngành cần hợp tác chặt chẽ với nhau để xác định tầm nhìn và lộ trình cho 5.5G. "Khi chúng ta tiến tới kỷ nguyên 5.5G, tất cả các công ty trong ngành cần phải hợp tác làm việc cùng nhau để đưa ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ và chín muồi", ông nói.
"Tất cả doanh nghiệp trong ngành nên làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái ngành, bằng cách tạo ra nhiều ứng dụng hơn và tăng tốc chuyển đổi số thông minh", ông Wang nhấn mạnh.
Được biết, Huawei đã lần đầu tiên đề xuất 5.5G tại Diễn đàn Băng thông rộng Di động Toàn cầu lần thứ 11 vào năm 2020 và F5.5G (còn gọi là 5.5G cố định) tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhà phân tích Toàn cầu hồi tháng 4 vừa qua. Từ đó đến nay, ngành công nghiệp này đã phát triển sôi động với những ý tưởng mới và ứng dụng tốt nhất.
Một trong những lợi ích mà 5.5G mang đến cho người dùng, theo chia sẻ của đại diện tới từ Huawei, đó là trải nghiệm Internet tốc độ cao - lên tới 10 Gbps thông qua công nghệ MIMO có băng thông rộng hơn, hiệu suất băng thông lớn hơn và điều chế kỹ thuật số bậc cao hơn.
Điều này giúp việc kết nối Internet hay quản lý các thiết bị IoT trở nên dễ dàng hơn, vì tại nhiều khu vực hiện nay trên thế giới, kết nối 5G trong điều kiện thực tế chỉ đáp ứng được từ 800 Mb/giây đến 1 Gb/giây khi tải xuống.
Cùng với đó, bộ nhớ trong tương lai sẽ cải thiện hiệu suất lưu trữ gấp 10 lần thông qua kiến trúc phần cứng và phần mềm tập trung vào dữ liệu, cũng như các công cụ tăng tốc ứng dụng dữ liệu đa dạng.
5.5G cũng sẽ vượt ra ngoài khả năng kết nối để chứa đựng cả các cảm biến, kéo theo một số những kịch bản và ứng dụng mới cho cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.