Huawei đã sẵn sàng cho “tương lai ảm đạm” trên thị trường smartphone

(Dân trí) - Từng đặt ra tham vọng thống trị trên thị trường smartphone, hiện tại Huawei đang phải đối mặt với một “tương lai ảm đạm” và nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm mạnh sản lượng trên thị trường di động.

Năm 2019, Huawei đặt ra mục tiêu trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới về mặt doanh số và hãng công nghệ Trung Quốc đã thực hiện được tham vọng này khi vượt qua Samsung để vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường di động trong quý I và quý II/2020.

Một trong những nguyên do giúp Huawei vượt lên trên thị trường smartphone chính là sự ảnh hưởng của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, khiến nhu cầu mua sắm smartphone của người dùng bị sụt giảm, trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại có xu thế ngược lại khi người dùng tăng cường sắm smartphone mới do nền kinh tế đã dần được phục hồi sau đại dịch.

Huawei đã sẵn sàng cho “tương lai ảm đạm” trên thị trường smartphone - 1

Huawei đã sẵn sàng cho một “tương lai ảm đạm” trên thị trường smartphone

Tuy nhiên, sự thống trị của Huawei trên thị trường smartphone có thể không kéo dài được lâu, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu và nhu cầu mua sắm của người dùng tại các thị trường quan trọng như Mỹ và châu Âu dần được phục hồi.

Bản thân Huawei dường như cũng đã dự đoán được kịch bản này và đã sẵn sàng để đón nhận một “tương lai ảm đạm” trên thị trường smartphone.

Tờ báo The Elec (Hàn Quốc) dẫn lời nguồn tin thân cận từ Huawei cho biết hãng công nghệ Trung Quốc đã đề nghị các đối tác và nhà thầu phụ của Huawei tại Hàn Quốc cắt giảm sản lượng. Huawei dự kiến sẽ chỉ bán ra được khoảng 50 triệu smartphone trong năm 2021, nghĩa là giảm đến 74% so với doanh số dự kiến 190 triệu máy mà Huawei đã đặt ra cho năm 2020.

Huawei chịu tác động nghiêm trọng từ lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ

Theo The Elec thì chính lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với Huawei là nguyên do chính khiến hãng công nghệ Trung Quốc phải cắt giảm mạnh sản lượng trên thị trường smartphone. Huawei sẽ bị cấm mua chip từ các công ty của Mỹ hoặc các công ty sản xuất sử dụng phần mềm, công nghệ Mỹ, điều này khiến Huawei đang thiếu hụt nguồn cung chip một cách nghiêm trọng và đang phải sử dụng lượng chip còn tồn kho của mình.

Huawei cũng không thể tiếp tục phát triển các thế hệ chip di động mới và cao cấp để cạnh tranh với các đối thủ do không có đối tác đủ năng lực để sản xuất. TSMC, đối tác sản xuất chip của Huawei vẫn đang sử dụng công nghệ Mỹ cho dây chuyền sản xuất chip của mình, do vậy lệnh cấm của chính phủ Mỹ sẽ ngăn TSMC tiếp tục sản xuất chip theo đơn đặt hàng của Huawei.

Đầu tháng 8 vừa qua, Huawei đã xác nhận sẽ “khai tử” dòng chip Kirin do chính hãng phát triển vì không tìm được đối tác đáp ứng đủ năng lực để sản xuất.

Một nguyên do khác khiến Huawei mất đi tính cạnh tranh trên thị trường di động đó là các sản phẩm của hãng không được hỗ trợ các ứng dụng và dịch vụ của Google, như Gmail, Youtube, Google Maps hay cả kho ứng dụng Google Play… đối với người dùng tại Trung Quốc, đây không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng (do các dịch vụ của Google đều bị cấm tại Trung Quốc), nhưng với người dùng tại các quốc gia khác thì smartphone thiếu đi các ứng dụng thiết yếu của Google là điều khó có thể chấp nhận được.

Rõ ràng, với một hãng smartphone lớn, việc chỉ dựa vào thị trường nội địa là không đủ để Huawei tiếp tục tham vọng thống trị trên thị trường smartphone. Hơn ai hết, Huawei hiểu rõ tình cảnh mà mình đang phải đối mặt và việc hãng cắt giảm sản lượng smartphone trong năm 2021 là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm