Cuộc đua trên thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí:
Hành trình lội ngược dòng của Zalo
Cú lội ngược dòng ngoạn mục của Zalo trên thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí giống như cuộc “lột xác” từ chàng Đông ki sốt lãng mạn trở thành vua David hạ gục người khổng lồ Goliath.
Điều này càng đúng hơn bởi sau khi ra đời, nhóm phát triển Zalo đã gặp sai lầm khi sử dụng rập khuôn thiết kế của Web chứ không phải là một sản phẩm được phát triển từ đầu cho mobile và hệ quả là người dùng không đánh giá cao phiên bản thử nghiệm. Cũng vì thế, khi biết tin Zing vẫn tập trung đầu tư lớn cho Zalo, thậm chí còn tập hợp tất cả nhân sự ưu tú nhất (DreamTeam của công ty Internet số 1 Việt Nam) để thực hiện dự án này, một số chuyên gia công nghệ trong nước đã ví họ là “những chàng Đông ki sốt”, chỉ lãng mạn mà không biết tự lượng sức mình.
Đầu tháng 2/2013, ứng dụng thuần Việt lại có phiên bản cập nhật lớn với nhiều tính năng đặc biệt được bổ sung. Ngay sau đó, Zalo nhận được đánh giá rất tích cực cộng đồng trong nước, thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng chóng mặt của người và vị trí số 1 liên tục trên bảng xếp hạng của App Store Việt Nam. Chuyên trang công nghệ của châu Á – Techniasia còn có bài viết về Zalo và nhận định: “Cuối cùng, Việt Nam cũng đã có một sản phẩm đáng tin cậy, cạnh tranh với những KakaoTalk, WeChat, Line, Whatsapp hay Viber”.
Với tốc độ tăng trưởng người dùng chóng mặt, Zalo đã đạt hơn 1 triệu người dùng vào đầu tháng 3 và được Techiniasia xếp vào nhóm ứng dụng công nghệ di động sáng tạo nhất châu Á từ giữa tháng 2. Ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt đã có một cú lội ngược dòng vô cùng ngoạn mục bởi chỉ cách đó vài tháng, Zalo từng bị coi là một sản phẩm lãng mạn của “những chàng Đông ki sốt”.
Trên thị trường, ngoài việc đoạt vị trí số 1 trên App Store, Zalo cũng giành luôn vị trí ứng dụng được nhiều người trong nước dùng nhất và có “ngôi vương tạm thời”, dẫn trước cả những đối thủ khổng lồ của thế giới đang có mặt tại Việt Nam. Hình ảnh của “chàng Đông ki sốt gàn dở” trước đây đã chuyển thành “vua David hạ người khổng lồ Goliath”.
Trên thực tế, tương tự câu chuyện cổ tích về vua David bé nhỏ hạ người khổng lồ Goliath, Zalo không có sức mạnh vượt trội so với các đối thủ khổng lồ ở nước ngoài, cả về nguồn lực kỹ thuật cũng như tài chính. Tuy nhiên, ứng dụng thuần Việt lại được thiết kế với những tính năng phù hợp nhất với người Việt cũng như hạ tầng viễn thông di động trong nước. Đây cũng là điều mà những người khổng lồ nước ngoài không có.
Tốc độ nhắn tin (cả thoại lẫn text) cực nhanh, vẽ được khi nhắn tin, dùng được với dòng điện thoại phổ thông của Nokia, chạy tốt trên 2G và 2,5G (ứng dụng nước ngoài chỉ dùng được trên 3G, Wifi với smartphone)…. là những ưu điểm đặc biệt của Zalo so với các đối thủ nước ngoài. Điều này cộng với sự chứng nhận vị trí số 1 của App Store Việt Nam (nơi đánh giá của nhóm khách hàng dùng di động khó tính nhất) đã giúp Zalo có sức mạnh của vua David trong cuộc chiến với những người khổng lồ.
Tuy nhiên, chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu, còn chiến thắng thực tế thì chỉ dành cho những người có quyết tâm cao, chăm chỉ và tài năng. Liệu Zalo có tiếp tục khẳng định được vị trí của mình trong thời gian tới hay không? Hãy chờ xem.
Hoàng Linh