“Hành là chính” và sự lãng phí 700 giờ mỗi năm

(Dân trí) - Một doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm mất 872 giờ để làm thủ tục thuế, nhưng các nước ASEAN chỉ mất 172 giờ. Như vậy ở Việt Nam, dịch vụ công bị ách tắc hơn và lãng phí tới 700 giờ mỗi năm. Chắc chắn đây là một rào cản và việc ứng dụng CNTT trong dịch vụ công là điều Việt Nam cần phải triển khai quyết liệt.

Lãng phí 700 giờ mỗi năm vì thủ tục hành chính

Tại buổi tọa đàm CNTT- Phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công bên lề Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014, TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cho biết một khảo sát cho thấy một doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm mất 872 giờ để làm thủ tục thuế, nhưng doanh nghiệp tại các nước ASEAN chỉ mất 172 giờ. Như vậy ở Việt Nam, dịch vụ công bị ách tắc hơn và lãng phí tới 700 giờ mỗi năm của mỗi doanh nghiệp.

Sự lãng phí cộng với sự nhũng nhiễu của các bộ máy công quyền thực hiện các thủ tục hành chính đã là đề tài đã được bàn đến rất nhiều trên truyền thông. Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện muôn thuở với câu nói thường được nhắc đến nhất: “Hành là chính”.

Quảng Ninh là tỉnh đã ứng dụng CNTT trong dịch vụ công rất tốt, giúp chính quyền tiếp cận với dân tốt hơn, và dân hài lòng hơn rất nhiều so với trước đây. Chia sẻ về kinh nghiệm giảm thiểu các thủ tục “hành là chính”, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết rào rản về các thủ tục hành chính chính, một rào cản mà người dân và các doanh nghiệp rất ngại đó là mất thời gian, mất tiền và sự bất hợp lý.

Trước vấn đề này, Quảng Ninh đã xây dựng đề án chính quyền điện tử trong vòng 2 năm (2013, 2014), về cơ bản đã xong nền tảng. Bên cạnh đó đã đưa ra các thủ tục hành chính từ các sở ngành và các huyện thị xã vào một trung tâm. Người dân, doanh nghiệp đến giải quyết các thủ tục ở trung tâm, và thậm chí nhận hồ sơ và ký duyệt ngay tại trung tâm này. Đây là bước đột phá đối với các thủ tục hành chính công. Để làm được điều này, Quảng Ninh đã phải bước qua một rào cản cực kỳ lớn. Quảng Ninh phải cực kỳ nỗ lực, vì phải vượt qua những trở ngại từ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đó là các sở, ngành, phòng ban chuyên môn đều có lợi ích riêng của mình trong các hoạt động xử lý dịch vụ công. “Công dân, doanh nghiệp đều phải qua từng phòng của sở, ngành để có được một giấy phép. Đã có sự qua lại thì sẽ có lợi ích phát sinh. Khi đưa về trung tâm hành chính công thì những lợi ích này bị cắt đi”, ông Hậu cho biết. “Trong 1 năm đầu thực hiện, các sở, ngành gần như rất ít hợp tác. Thời gian đầu làm rất khó khăn, nhưng với sự quyết tâm để thay đổi thay đổi thể chế, và xác định phải thay đổi về thủ tục hành chính thì mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nên Quảng Ninh đã triển khai mạnh mẽ”.

Hành chính công đang gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc.

Hành chính công đang gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc.

Theo ông Hậu, hiện tại Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động 6 trung tâm hành chính công và đưa được 70% các thủ tục hành chính công vào trung tâm này. Hiện nay tỉnh này đã ký được 14 đơn vị trực của tỉnh thành lập Trung tâm, mua sắm thiết bị, máy móc, làm phần mềm, xây dựng trung tâm dữ liệu.

“Theo kế hoạch, đến 2015, Quảng Ninh sẽ đưa 100% thủ tục hành chính vào Trung tâm và giải quyết các thủ tục tại ngay trung tâm này. Chỉ số hài lòng của người dân hiện đã đạt trên 90%”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói.

Những điều kiện để ứng dụng CNTT thành công trong dịch vụ công?

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thời gian qua, qua quan sát thời gian quát ở các bộ , ngành, các chình quyền địa phương thì ông nhận thấy sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhiều lúc chỉ là sự khác biệt về tốc độ ra quyết định.

“Phía doanh nghiệp ra quyết định rất nhanh, thị trường đòi hỏi họ phải nhanh, nhưng từ phía chính quyền cung cấp thì tốc độ ra quyết định lại chậm. Cho nên nếu tăng tốc thời gian ra quyết định của chính quyền địa phương hay bộ ngành chính là cách để tạo lập môi trường kinh doanh tốt”, theo ông Tuấn, việc áp dụng CNTT trong chính quyền nhà nước, trong điều hành chính quyền để rút ngắn thời gian ra quyết dịnh sẽ thấy rõ nhiều thuận lợi. Cụ thể, ứng dụng CNTT trong chính quyền có nhiều việc có thể làm được, như giảm sự nhũng nhiễu trong quan hệ giữa con người và con người. Khi người ta cần nộp hồ sơ mà không cần đến gặp trực tiếp các quan chức thì cơ hội để nhũng nhiễu giảm đi rất nhiều.

“Chúng tôi đã thử rà soát các thủ tục hành chính về đầu tư. Để trải qua một quy trình, mỗi nhà đầu tư sẽ phải gặp hàng trăm người, hàng trăm trình độ khác nhau, hàng trăm cá tính khác nhau, hàng trăm sở thích khác nhau thì chỉ cần 1 vài người gây khó khăn thì có thể làm chậm quy trình xử lý, gây khó khăn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đại diện VCCI, ứng dụng CNTT cũng sẽ tăng năng suất rất là nhiều. Các cơ quan hành chính chỉ cần ra quyết định bỏ toàn bộ giao dịch bằng giấy tờ giữa các phòng ban, sở ngành và chuyển sang giao dịch bằng máy tinh sẽ tăng năng suất lên rất là nhiều, sẽ biết ai làm việc gì. Do vậy sẽ nắm được hoạt động của cơ quan.

Tuy vậy, lợi ích của ứng dụng CNTT thì đã rõ rồi, nhưng điều kiện gì để ứng dụng CNTT thành công?, ông Tuấn đặt câu hỏi. Phụ thuộc vào chính quyền, hay là địa phương, thì liệu đấy có phải là vấn đề về trình độ áp dụng CNTT của doanh nghiệp và người dân hay không. Ông cho Tuấn khẳng định điều đó không hẳn là đúng. Theo một khảo sát của VCCI thực hiện 63 tỉnh cách đây vài năm, với câu hỏi “Anh có vào website của tỉnh, thành phố hay không?”, thì kết quả rất ngạc nhiên khi số lượng người trả lời vào website của tỉnh Lào Cai nhiều gấp đối so với Hà Nội và Hải Phòng. Kết quả này không thể nói lên được rằng các doanh nghiệp ở Lào Cai ứng dụng CNTT tốt hơn Hà Nội, và Hải Phòng nhưng qua đó cũng có thấy sự hữu ích của website của tỉnh, thành đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có thông tin từ trên website của chính quyền thì họ sẽ giảm được thời gian.

Ngoài ra, theo đại diện từ VCCI, lãnh đạo doanh nghiệp, tỉnh thành phải có tư duy về CNTT và hiểu về CNTT. Thật là khó cho địa phương nếu lãnh đạo địa phương đó không biết về e-mail, không biết về xu hướng CNTT.

Thứ 3 là có một lộ trình thích hợp vì không thể đòi hỏi một địa phương nghèo đầu tư hoành tráng một hệ thống ứng dụng CNTT ngay từ đầu. Do đó cần phải có sự chuẩn bị, và bổ sung dần dần thì sẽ tạo ra tính lan tỏa rất tốt.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng Ban CNTT và dịch vụ giá trị gia tăng - Tập đoàn VNPT, cho biết, VNPT trong thời gian qua cũng đã nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp, dịch vụ nhằm hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả dịch vụ công trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, tham dự tại buổi Tọa đàm, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cũng chia sẻ về những kinh nghiệm và những ví dụ điển hình của việc ứng dụng CNTT vào hành chính công. Ông cho biết, Microsoft đã cùng với chính quyền thành phố London, Anh để xây dựng hệ thống giao thông thành một hạ tầng (platform) mở, từ đó các doanh nghiệp sẽ xây dựng ứng dụng cho từng dịch vụ của mình, như DN tàu điện ngầm xây dựng đưa lên đó, và tất cả các thông tin khuyến mãi, giá vé, lịch trình đều được đưa lên platform đó. Do đó, người dân có ứng dụng tải về điện thoại, máy tính để sử dụng khi cần thiết. Với con số 2,3 triệu hit mỗi ngày cho thấy trang giao thông này rất cần thiết.

Microsoft cũng cho biết đã cùng thành phố New York xây dựng hệ thống kiểm soát tội phạm, tất cả thông tin người dân liên quan đến tai nạn, và được đưa ra bảng nhận diện từng người. Nhờ đó giúp cảnh sát New York có thể kiểm soát và bảo vệ thành phố rất an toàn.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm