Hàng triệu trang web bị xoá khỏi Internet
(Dân trí) - Google đã xóa bỏ hàng triệu trang web trên kết quả tìm kiếm của mình trong thời gian qua. Đây là những trang web bất hợp pháp hoặc vi phạm bản quyền trên Internet.
Sau nhiều năm nỗ lực để “làm sạch môi trường” Internet, báo cáo minh bạch mới được công bố của Google cho biết “gã khổng lồ tìm kiếm” đã nhận được yêu cầu và thực hiện gỡ bỏ hơn một triệu trang web khác trên kết quả tìm kiếm của hãng, trong khi đó số lượng các đường link cụ thể (chỉ là một đường link đơn thuần, không phải toàn bộ trang web) mà Google đã loại bỏ lên đến hơn 2,13 tỷ.
Những trang web được Google xóa bỏ khỏi kết quả tìm kiếm của hãng là những trang web vi phạm về bản quyền hoặc có nội dung lừa đảo, bất hợp pháp... Chủ yếu trong số đó là các trang web vi phạm bản quyền như chia sẻ phim, phần mềm... trái phép.
Google cho biết tiến trình để gỡ bỏ một nội dung vi phạm trên Internet bao gồm đầu tiên chủ sở hữu của các nội dung bị vi phạm bản quyền sẽ gửi yêu cầu đến Google, thông báo về trang web hoặc một đường link cụ thể chứa nội dung vi phạm. Sau khi nhận được yêu cầu, Google sẽ xác minh lại người gửi yêu cầu có phải là chủ nhân thực sự của nội dung bị vi phạm hay không, đồng thời gửi thông báo đến chủ của trang web có chứa nội dung vi phạm. Nếu chủ nhân của trang web cho rằng nội dung mình chia sẻ không vi phạm bản quyền thì có thể kháng cáo. Google sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem có xóa đi các trang web hoặc đường link vi phạm bản quyền hoặc nội dung bất hợp pháp ra khỏi kết quả tìm kiếm của mình hay không.
Dĩ nhiên, không phải mọi yêu cầu gỡ bỏ trang web gửi đến Google đều chính xác và Google đều thực hiện theo. Các hãng tin lớn như BBC, New York Times hay thậm chí trang web của các cơ quan chính phủ Mỹ như NASA, trang web của Nhà Trắng... từng nhiều lần bị báo cáo chứa nội dung vi phạm bản quyền và yêu cầu Google phải gỡ bỏ những trang web này ra khỏi kết quả tìm kiếm của mình. Dĩ nhiên Google sẽ không thực hiện theo những yêu cầu này.
Lý do của những báo cáo nhằm vào các trang web lớn này thường do lỗi phần mềm nhận diện sai, hoặc do những bất mãn của người dùng về các nội dung được đăng tải hoặc thậm chí do những hành động nguy hiểm hơn.
Báo cáo minh bạch của Google cũng cho thấy những hoạt động kiểm duyệt nội dung Internet của các cơ quan chính phủ trên toàn cầu. Google cho biết thường xuyên nhận được những yêu cầu từ các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới về việc xóa bỏ những bài viết hay video liên quan đến chính trị, nội dung nhạy cảm, thậm chí là những yêu cầu nhằm vào các trang báo hay hãng tin lớn.
T.Thủy
Theo Engadget/Google