Hai người Việt bị bắt tại Nhật vì bán smartphone cũ không giấy phép

(Dân trí) - Hai thực tập sinh người Việt Nam đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì buôn bán smartphone cũ trên mạng xã hội mà không có giấy phép.

Theo kênh truyền hình TBS News, cảnh sát thành phố Osaka (Nhật Bản) đã bắt giữ hai người Việt Nam, có tên Lê Văn Quyết (27 tuổi) và Nguyễn Thị Dung (23 tuổi) vì tội danh buôn bán đồ cũ mà không có giấy phép.

Theo điều tra của cảnh sát, cặp đôi này đã mua 4 chiếc iPhone từ một cửa hàng đồ cũ, sau đó rao bán trên mạng xã hội và thực hiện giao dịch với 4 người Việt Nam khác cũng đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Điều đáng nói là cặp đôi này không có giấy phép buôn bán đồ cũ tại Nhật Bản.

Hai người Việt bị bắt tại Nhật vì bán smartphone cũ không giấy phép - 1

Lê Văn Quyết bị cảnh sát bắt giữ vì bán smartphone và máy tính bảng cũ mà không có giấy phép

Mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, bằng hình thức mua smartphone, máy tính bảng cũ tại các cửa hàng, sau đó rao bán trên mạng xã hội, cặp đôi này đã bán được một số lượng lớn sản phẩm và thu được số tiền hơn 6 triệu Yên (hơn 1,3 tỷ đồng).

Được biết, cả hai đều là những thực tập sinh, đến nhật vào những thời điểm khác nhau, nhưng hiện tại đang hẹn hò cùng nhau và đều đã bỏ ngang việc theo học thực tập sinh. Lê Văn Quyết cho biết mục đích của việc buôn bán smartphone cũ là nhằm “để dành tiền cho tương lai của cả hai”.

Kinh doanh online và bán hàng qua Facebook đang rất phổ biến tại Việt Nam, nhưng tại Nhật Bản, cần phải có giấy xin phép của cơ quan chức năng để bán hàng qua mạng xã hội.

Ngoài ra, theo “Luật kinh doanh hàng cũ” tại Nhật Bản thì việc bán một số mặt hàng cũ, kể cả khi bán trên mạng xã hội và Facebook, cũng cần phải có giấy xin phép.

Không chỉ hàng cũ đã qua sử dụng, mà ngay cả những hàng hóa mới chưa dùng đến, nhưng nếu mua từ các cửa hàng bán lẻ rồi bán lại với mục đích lấy tiền chênh lệch, hoặc bán ra nước ngoài, thì cũng bắt buộc người bán phải có giấy xin phép. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng kinh doanh và buôn bán các loại hàng lấy cắp.

Người vi phạm có thể bị phạt tù dưới 3 năm hoặc phạt số tiền tối đa 1 triệu Yên (gần 220 triệu đồng). Nếu người nước ngoài vi phạm sẽ bị hủy visa và bị trục xuất.