Google bị “tố” ăn cắp công nghệ trong dự án phủ sóng Internet bằng khinh khí cầu

(Dân trí) - 3 năm trước, Google giới thiệu Project Loon, dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng khinh khí cầu, tuy nhiên đến gần đây, Space Data (Mỹ) mới lên tiếng cáo buộc Google đa ăn cắp công nghệ của mình sử dụng trong dự án này.

Năm 2013, khi Google lần đầu tiên giới thiệu dự án Project Loon với ý tưởng phủ sóng mạng Internet trên toàn cầu bằng khinh khí cầu, nhiều người đã đón nhận đây như là một dự án táo bạo và lần đầu tiên được xuất hiện, tuy nhiên, một công ty tại Mỹ mới đây đã lên tiếng cáo buộc Google sao chép công nghệ của mình và ý tưởng của Google đã xuất hiện từ cách đây hơn 10 năm.

Nhà đồng sáng lập Google và Chủ tịch Alphabet Sergey Brin đang đứng trước mô hình khinh khí cầu của dự án Project Loon. Khinh khí cầu thực sự của dự án có kích cỡ gấp đôi mô hình này.
Nhà đồng sáng lập Google và Chủ tịch Alphabet Sergey Brin đang đứng trước mô hình khinh khí cầu của dự án Project Loon. Khinh khí cầu thực sự của dự án có kích cỡ gấp đôi mô hình này.

Cụ thể, công ty Space Data đã nộp đơn kiện lên tòa án Quận Bắc California (Mỹ), trong đó cáo buộc dự án Project Loon của Google đã vi phạm hai bằng sáng chế công nghệ mà công ty này đã đăng ký độc quyền từ 10 năm trước, một trong đó là công nghệ cung cấp kết nối thông qua một mạng lưới khinh khí cầu (nộp vào năm 1999) và công nghệ giúp chấm dứt hoạt động thu hồi những quả khinh khí cầu (nộp vào năm 2001). Space Data khẳng định công ty không hề chia sẻ sáng chế công nghệ này với bất kỳ công ty nào khác, bao gồm cả Google.

Hiện tại Space Data đang cung cấp 2 sản phẩm, SkySat và SkySite, cả 2 đều nhằm mục đích cung cấp kết nối dựa trên khinh khí cầu, tương tự cách thức hoạt động dự án Project Loon của Google. Sản phẩm của Space Data không được biết đến nhiều và xuất hiện rộng rãi, tuy nhiên công ty vẫn đang nắm giữ giấy phép để cung cấp dịch vụ băng thông rộng ở vùng sâu vùng xa bang Alaska và vịnh Mexico từ các sản phẩm của mình.

Một lý do mà khác mà Space Data tin rằng Google đã sao chép ý tưởng và công nghệ của mình đó là vào tháng 2/2008, 2 nhà sáng lập của Google là Sergey Brin và Lary Page cùng 10 giám đốc cao cấp khác của Google đã ghé thăm trụ sở chính của Space Data tại thành phố Chandler (bang Arizona, Mỹ).

Space Data cho biết trong chuyến ghé thăm này, Space Data và ban lãnh đạo của Google đã ký kết một thỏa thuận giữ bí mật về nội dung của chuyến ghé thăm, tuy nhiên với việc Google bắt tay vào xây dựng dự án Project Loon với nhiều nét tương đồng sản phẩm của Space Data, công ty cáo buộc Google đã vi phạm thỏa thuận giữ bí mật của hai bên.

Hình ảnh Sergey Brin chụp cùng khinh khí cầu trong chuyến thăm đến trụ sở Space Data năm 2008
Hình ảnh Sergey Brin chụp cùng khinh khí cầu trong chuyến thăm đến trụ sở Space Data năm 2008

Chuyến thăm của ban lãnh đạo Google vào thời điểm đó đã được tờ báo The Wall Street Journal đưa tin, với dự đoán Google sẽ mua lại Data Space, nhưng trên thực tế không có thương vụ nào được thực hiện. 3 năm sau chuyến ghé thăm này, Google bắt tay vào xây dựng dự án Project Loon và chính thức công bố vào năm 2013.

Hiện tại Google vẫn chưa đưa ra bình luận gì về cáo buộc của Space Data.

Project Loon là dự án đầy tham vọng của Google, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2013. Đây là dự án được phòng thí nghiệm Project X của Google (nay là một công ty con của Alphabet) phát triển, trong đó Google sẽ sử dụng những quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời để cung cấp sóng Wi-Fi miễn phí tại những khu vực bị thiên tai, các vùng nông thôn hay nghèo khó. Khinh khí cầu của Google sẽ bay ở độ cao không thể nhìn thấy và được các kỹ sư của Google điều chỉnh độ cao và bay nương theo chiều gió để đi theo các tuyến đường mà Google mong muốn.

Những trạm mặt đất của Google có bán kính khoảng 96km quanh khu vực của khinh khí cầu có thể nhận được tín hiệu Internet từ chúng phát ra. Các tín hiệu này sẽ cầu sẽ được truyền ngược trở lại một quả khinh khí cầu tiếp theo để giữ cho sóng Wifi được lan truyền liên tục và không bị ngắt đoạn.

Cách thức hoạt động của Project Loon (phải) giống với bằng sáng chế công nghệ mà Space Data đã đăng ký từ trước (trái)
Cách thức hoạt động của Project Loon (phải) giống với bằng sáng chế công nghệ mà Space Data đã đăng ký từ trước (trái)

Những khinh khí cầu của Google được gắn pin năng lượng mặt trời vào bề mặt bơm phồng để tạo ra năng lượng cho hệ thống điều khiển từ xa, mạch phát sóng Internet và ăn-ten… Tốc độ truyền tải dữ liệu Wi-Fi miễn phí từ những quả khinh khí cầu sẽ được đáp ứng tối thiểu tương đương với mạng 3G hiện nay.

Mỗi quả khinh khí cầu có thể cung cấp dịch vụ Internet cho một khu vực rộng lớn gấp đôi diện tích thành phố New York, hoặc tương đương 2.020 km vuông. Bởi lẽ với độ cao mà những quả khinh khí cầu này có thể đạt được, nên giới hạn về độ cao của những khu vực có thể nhận sóng Wi-Fi không phải là vấn đề.

Hiện tại Google đã thử nghiệm dự án Project Loon tại New Zealand, Brazil, Sri Lanka, bang California và gần đây nhất là Indonesia. Hiện chưa rõ thời điểm Alphabet sẽ trang bị Project Loon cho mọi quốc gia trên toàn cầu.

Thực tế khinh khí cầu được sử dụng trong dự án Project Loon

T.Thủy
Tổng hợp