Giải mã nguyên nhân xảy ra quá nhiều vụ cháy nổ thời gian qua
(Dân trí) - Có rất nhiều người chưa coi trọng việc thiết lập hệ thống điện cho căn nhà mà giao trọng trách này hoàn toàn cho thầu xây dựng khi xây nhà mới. Trong khi sự cố cháy nổ hầu như đến từ các sự cố điện là chủ yếu.
Sự cố cháy nổ do điện chiếm hầu hết
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận nhiều sự cố cháy nổ đáng tiếc đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đáng chú ý nổi lên nhất đó là vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TPHCM khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Sự việc này đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dùng về việc an toàn cháy nổ.
Ngay sau sự cố, các cơ quan chính phủ đã bắt đầu tổng rà soát kiểm tra các chung cư, các chủ toàn nhà bắt đầu đi tìm kiếm giải pháp để chống cháy. Theo báo cáo của Google, chỉ chưa đầy 12 tiếng sau vụ cháy chung cư trên, từ khóa liên quan đến việc cháy nổ chung cư và các vấn đề liên quan đã lên top 2 tìm kiếm. Điều này cũng cho thấy, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu đi tìm kiếm các giải pháp vì lo ngại về sự an toàn của chính mình.
Theo thống kê của Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 2,300 vụ cháy nổ xảy ra, trong đó có hơn 1,000 vụ với nguyên nhân là các sự cố về điện, tức gần một nửa trên tổng số vụ. Như vậy, có thể thấy nguyên nhân cháy nổ tại nước ta hầu như đến từ sự cố điện.
Còn nhiều chủ quan
Một báo cáo khác cũng cho thấy việc đảm bảo an toàn cháy nổ ở các hộ gia đình còn nhiều vấn đề cần lưu ý và giải quyết khi có đến 56% hộ gia đình không đạt chuẩn về an toàn cháy nổ (Theo một cuộc khảo sát an toàn cháy nổ tại TPHCM trong năm 2017).
Một điểm khác mà theo bà Phạm Thị Cẩm Bình, Phó Tổng giám đốc ngành thiết bị điện dân dụng của Schneider Electric, có nhiều người hiện nay vẫn còn giao trọng trách lắp đặt hệ thống điện trong nhà cho thầu xây dựng tự quyết. Chính điều này tạo ra kẻ hở và khiến họ mất an toàn về điện.
Bà Bình lấy ví dụ, nhiều thầu xây dựng lựa chọn các thợ tay ngang và không đào tạo bài bản qua trường lớp để tiết kiệm chi phí. Những người thợ này dựa vào kinh nghiệm làm nhiều năm để lắp đặt thiết bị điện và không đủ kiến thức để lắp đặt nhiều thiết bị an toàn mới. Hầu như các bác thợ này chỉ tập trung vào làm quá tải và ngắn mạch. Trong khi các trang bị khác như chống sét lan truyền, chống dòng rò để đảm bảo an toàn cho người dùng hầu như bị bỏ qua.
"Đôi khi chính thói quen sử dụng điện một cách thiếu kiểm soát và chủ quan là nguyên nhân dẫn đến các sự cố không mong muốn". Bà Bình nhấn mạnh.
Từ đó bà Bình đưa lời khuyên, người dùng nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mọi người cần có ý thức cao hơn về việc phòng chống cháy nổ trong căn nhà của mình, đặc biệt là phòng chống các sự cố liên quan đến an toàn điện. Nên cẩn thận và kĩ lưỡng trong việc sử dụng các thiết bị điện, chẳng hạn như kiểm tra và cắt điện ở các thiết bị không cần thiết, không tự ý lắp đặt điện khi thiếu sự hướng dẫn từ những người có chuyên môn…
Người dùng cũng nên quản lý điện bằng các thiết bị tự động hóa vì các thiết bị này cho phép kiểm soát các thiết bị điện trong nhà một cách dễ dàng và tiện lợi.
Gia Hưng