Giá cước ADSL không thể hạ được nữa?
"Với giá thuê kênh quốc tế (1.000 USD/Mbps) cộng thêm chi phí đường truyền Bắc-Nam, lương nhân viên, khấu hao thiết bị... thì với mức giá cung cấp hiện tại chúng tôi đã phải chịu lỗ. Do đó, rất khó có hể hạ giá cước nữa", ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm internet Khu vực 3 (Viettel), nhấn mạnh.
Bùng nổ dịch vụ internet băng thông rộng (ADSL) và cuộc chạy đua giảm giá cước của các nhà cung cấp dịch vụ được xem là sự kiện nổi bật của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam năm qua. Theo dự đoán, số lượng người dùng internet sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.
Đầu tư dịch vụ giá trị gia tăng
Cuộc rượt đuổi ngoạn mục về giá cước ADSL của 3 "ông lớn" VDC, Viettel và FPT trong năm 2005 đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) còn lại như SPT, Netnam... hầu như thúc thủ. Kết quả này dẫn đến phần lớn "miếng bánh" internet thuộc về VNPT, Viettel và FPT theo tỷ lệ lần lượt khoảng 44%, 28%, 15%. Nếu chỉ tính riêng số lượng thuê bao ADSL thì đến hết năm 2005, cả nước có 200.000 thuê bao, trong đó 100.000 thuê bao của VDC, 40.000 của Viettel, hơn 50.000 của FPT, số còn lại chia đều cho các ISP còn lại.
Hầu hết các ISP đều tuyên bố sẽ không có chuyện hạ cước phí sử dụng ADSL trong năm nay vì giá đã ở mức sàn. "Với giá thuê kênh quốc tế (1.000 USD/Mbps) cộng thêm chi phí đường truyền Bắc-Nam, lương nhân viên, khấu hao thiết bị... thì với mức giá cung cấp hiện tại chúng tôi đã phải chịu lỗ. Do đó, không chỉ riêng chúng tôi mà các ISP khác cũng khó có hể hạ giá cước nữa", ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm internet Khu vực 3 (Viettel), nhấn mạnh. Đồng quan điểm trên, ông Đặng Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm internet (TPHCM) của FPT cũng cho biết việc giảm cước rất khó xảy ra.
Thay vào đó, ông Huy dự báo các ISP sẽ cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ và các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng. Dự kiến, trong quý 1/2006 này FPT sẽ cung cấp dịch vụ internet không dây và kế tiếp là truyền hình tương tác (IPTV) bên cạnh game online.
Các ISP cũng sẽ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ gia tăng để cung cấp dịch vụ truyền hình tương tác, game, phim, gửi tin nhắn qua mạng, thoại... "Đàm phán để các nhà cung cấp những dịch vụ này đặt máy chủ (server) tại công ty mình là điều tốt nhất. Khi đó, lượng thuê bao của Viettel sẽ tăng lên cũng như hướng sử dụng trong nước nhiều hơn sẽ khiến giá thành giảm xuống thay việc kết nối, sử dụng những trang web, dịch vụ đặt server ở nước ngoài (khi đó cước phí tính theo đường truyền quốc tế - PV)", ông Bùi Quang Huy nói. Chất lượng dịch vụ cũng được các nhà cung cấp khẳng định sẽ có mức đầu tư thỏa đáng nhằm giảm bớt những phàn nàn của khách hàng. Tuy nhiên, điều này thì còn phải "hậu xét" khi số lượng thuê bao tiếp tục tăng mạnh.
Dial-up hết thời?
Theo Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC), tính đến hết năm 2005, cả nước có khoảng 2,7 triệu thuê bao internet và gần 10 triệu người sử dụng. Số thuê bao dịch vụ ADSL chỉ chiếm chưa đến 10% (200.000 thuê bao). Số còn lại vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ internet kết nối qua đường điện thoại (dial-up) vì dịch vụ ADSL chỉ mới được triển khai chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM. Phần lớn thuê bao dial-up hiện có tại các tỉnh thành đều thuộc về VDC. Nhưng doanh thu từ các thuê bao dial-up VDC ước tính chỉ đạt 60-70% so với doanh thu từ dịch vụ ADSL. Năm nay, VDC dự kiến sẽ mở rộng cung cấp ADSL trên cả nước.
Trong khi đó, Viettel và FPT dường như không có kế hoạch phát triển thuê bao dial-up. "Chúng tôi hiện có khoảng 4.000 thuê bao dial-up tại Hà Nội và TPHCM. Chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ này ở những vùng chưa triển khai được ADSL và đang tập trung triển khai hạ tầng cho ADSL ở những quận, huyện còn lại của TPHCM, Hà Nội và phát triển về tỉnh. Hơn nữa, tính theo giá cước thì ADSL đã không còn cao hơn dial-up nữa nên chúng tôi muốn khuyến khích người dân sử dụng ADSL hơn", ông Bùi Quang Huy nói.
Đã không đủ mạnh để lôi kéo được người sử dụng bằng dịch vụ ADSL, trong khi chỉ có thể tập trung ở thị trường TPHCM nên các nhà cung cấp SPT, Netnam, OCI... cũng khó tính đến chuyện có thêm khách hàng dial-up. Trong khi tỷ lệ khách hàng đang sử dụng dịch vụ dial-up chuyển sang ADSL ngày càng nhiều thì dịch vụ ADSL 2+ (có tốc độ cao hơn) cũng sắp có mặt tại Việt Nam. Điều này sẽ khiến lượng người sử dụng dịch vụ này tiếp tục tăng lên đáng kể.
Theo Mai Phương
Thanh Niên