Gặp người đưa Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới đến với châu Á

(Dân trí) - Gary Shapiro, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA), Hiệp hội Thương mại Mỹ, đã quyết định đưa Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) đến với thị trường châu Á.

Triển lãm CES Asia 2015 lần đầu tiên đang được tổ chức tại Thượng Hải từ ngày 26-28/5. Triển lãm do Hiệp hội Điện tử tiêu dùng CEA, “cha đẻ” của Triển lãm CES diễn ra hàng năm tại Las Vegas, Mỹ, tổ chức. Ông Gary Shapiro đã chia sẻ với Dân trí về những lí do để có thêm phiên bản CES Asia, về những xu hướng cũng như tiềm năng tại thị trường công nghệ châu Á.

PV: Ông có thể cho biết chương trình CES châu Á giống và khác biệt những gì so với CES Quốc tế? Người tham dự có thể kỳ vọng thương hiệu nào sẽ là con át chủ bài trong năm 2015 và tại sao?

Gary Shapiro: Chúng tôi không coi CES Asia là một phiên bản dành Châu Á của CES. Thay vào đó, chúng tôi đã luôn tin rằng châu Á đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành điện tử tiêu dùng và xu hướng công nghệ mới. Triển lãm CES Quốc tế tại Las Vegas là nơi hội tụ của tất cả những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghệ tiêu dùng trên toàn thế giới, với nhiều sản phẩm sản xuất dành cho Hoa Kỳ và các thị trường phương Tây. CES Asia được thiết kế cho các sản phẩm sắp ra mắt tại thị trường châu Á.

Gary Shapiro, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA)
Gary Shapiro, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA)

Thông qua CES Asia, người tham dự sẽ được trải nghiệm sản phẩm được phát triển và sắp được bán tại thị trường châu Á. Triển lãm sẽ trang bị cho các nhà bán lẻ địa phương các kinh nghiệm tốt nhất để trưng bày và bán các công nghệ mới. CES Asia cũng dành cho các công ty đang tìm cách phát triển và củng cố thương hiệu của mình trên thị trường châu Á. Một số công ty lớn tận dụng điều này bao gồm IBM, Intel, Mercedes Benz, Audi, Ford, Monster, Gibson, VOXX, Skull Candy, Twitter, Samsung, Hisense, Zagg, JD.com, China Mobile và Volkswagen. Chúng tôi cũng có các công ty nhỏ hơn đã cho biết họ sẽ tung ra sản phẩm, nhắm vào thị trường Trung Quốc và châu Á.

Xin ông cho biết tầm quan trọng của châu Á và Việt Nam đối với các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng? Điều gì tạo nên một thị trường công nghệ Châu Á sôi động?

Nhìn chung, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng mạnh mẽ của thị trường quan trọng này đối với các công ty toàn cầu và doanh nghiệp địa phương muốn mở rộng thị phần tại Châu Á. Điều này được tạo ra do nhu cầu của thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng tôi cũng nhận ra rằng vì thị trường toàn cầu đang trở nên cạnh tranh hơn, nhiều công ty đã áp dụng chiến lược tận dụng thị trường Châu Á như là phần không thể thiếu cho sự thành công lâu dài của họ.

Đồng thời, Châu Á là một khu vực rất đa dạng và các vùng khác nhau của Châu Á hoặc đang phát triển hoặc đã phát triển ở mức độ khác nhau, vì vậy rất khó để xác định tốc độ phát triển của việc ứng dụng công nghệ của toàn khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng là nhu cầu về công nghệ tiên tiến và các giải pháp đang tăng mạnh ở Châu Á. Trong thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận rõ sự quan trọng của các công ty nước ngoài, đặc biệt là ở Châu Á, trong sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.

Xu hướng công nghệ nào đang là tâm điểm của CES Asia 2015 lần đầu tiên tổ chức?

Trong 40 năm qua, công nghệ đã phát triển nhanh chóng, và 40 năm sau chắc chắn công nghệ sẽ còn đổi mới với tốc độ nhanh hơn. Lực lượng lao động sẽ ngày càng linh động, đa số người dùng sử dụng các thiết bị di động cho công việc hàng ngày, chẳng hạn như mua sắm tạp hóa và dịch vụ ngân hàng.

Theo thước đo tiêu dùng của Google, Châu Á có sự xâm nhập điện thoại thông minh cao nhất thế giới, với 85% ở Singapore và 70% ở Trung Quốc. Với tỉ lệ thâm nhập điện thoại thông minh ở châu Á tăng vọt, số lượng thiết bị công nghệ tiêu dùng tương thích với ứng dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng. Khả năng tương thích vớiđiện thoại di động tăng sẽ cho phép phát triển các thiết bị thông minh trong gia đình.

Chủ đề này đã được lên kế hoạch tại CES Asia 2015. Chúng tôi có rất nhiều nhà triển lãm trưng bày nhà thông minh và sáng chế cho điện thoại di động. Hai công nghệ này, cùng với in ấn 3D, thiết bị đeo thông minh, Internet của sự vật (IoT - Internet of Things), robot và nhiều hơn nữa đã được chuẩn bị kỹ càng cho sân khấu chính của CES 2015 Châu Á và xa hơn thế nữa.

Bếp nấu tự động đầu tiên trên thế giới của thương hiệu Moley Robotics được trưng bày tại CES Asia.
Bếp nấu tự động đầu tiên trên thế giới của thương hiệu Moley Robotics được trưng bày tại CES Asia.

IoT và các thiết bị đeo thông minh là một từ khóa thông dụng trong thời gian gần đây. Xin ông cho biết những công nghệ đó đã đi vào cuộc sống và thay đổi cách chúng ta sống như thế nào?

Theo một nghiên cứu từ Google, số lượng người dùng di động tại Việt Nam tăng từ 20% trong năm 2013 lên 36% trong năm 2014, đưa Việt Nam trở thành thị trường có số dân sử dụng di động thông minh cao thứ hai tại Đông Nam Á. Là một thị trường mới nổi với dân số trẻ có đời sống gắn kết với di động, thị trường di động thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng ta dự đoán sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế gia tăng xâm nhập di động và phát triển những ứng dụng tương thích với di động thông minh. Người dùng có thể mong chờ sự tăng trưởng của các thiết bị điện tử tiêu dùng thông minh gia nhập thị trường.

Các thương hiệu châu Á như Samsung và Xiaomi đã bắt đầu sản xuất các thiết bị di động thông minh hơn, ví dụ các loại đèn cho phép người dùng điều chỉnh độ mờ ảo theo sở thích bằng di động. Theo Gartner, khoảng 4,9 tỷ thiết bị IoT vào cuối năm 2015, và con số này sẽ còn tăng mạnh, vào khoảng 25 tỷ thiết bị trong năm 2020.

Một số thiết bị đeo phổ biến nhất được tung ra thị trường bao gồm máy theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh đều được kết nối tích hợp đôi với di động thông minh. Thông tin cập nhật từ thiết bị đeo thường được gửi vào điện thoại. Ví dụ, thiết bị theo dõi sức khỏe cung cấp dữ liệu về thể chất và cuộc sống hàng ngày, dựa trên việc người dùng di chuyển, họ ăn bao nhiêu và ngủ bao nhiêu tiếng một ngày. Chiếc máy tí hon bạn đeo trên cổ tay sẽ phân tích số liệu thu thập được và chuyển nó thành những hướng dẫn giúp người dùng dần thích nghi với với lối sống lành mạnh hơn. Ngược lại, đồng hồ thông minh cho phép kiểm tra thông báo trên di động của họ mà không phải lấy điện thoại ra, đem lại sự thuận tiện tối đa cho người dùng.

Tại sao các thiết bị đeo thông minh đang ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng đến vậy? Ông có thể chia sẻ về tương lai của thiết bị này?

Ở một mức độ cơ bản, thiết bị đeo thông minh có thể theo dõi số lượng vận động, cũng như số giờ ngủ sâu và ngủ ngắn mỗi đêm. Người dùng hứng thú với thiết bị đeo thông minh vì nó cung cấp thông tin để người dùng thay đổi hướng tới một lối sống lành mạnh hơn. Khi càng nhiều người sở hữu thiết bị đeo thông minh, số lượng thông tin được thu thập bởi các thiết bị này ngày càng tăng.

Thiết bị thông minh, thiết bị kết nối Internet là xu hướng chủ đạo tại CES Asia 2015.
Thiết bị thông minh, thiết bị kết nối Internet là xu hướng chủ đạo tại CES Asia 2015.

Nhìn rộng ra, những thông tin này được phân tích, sau đó cung cấp thông tin về các bệnh chúng ta đang gặp phải, ví dụ như lí giải cho việc việc bạn bị đau ngực: là do một cơn suy tim hay đơn giản chỉ vì bạn đã ăn quá nhiều. Những thông tin này có thể giúp các bác sĩ hiểu sâu hơn về các triệu chứng gây khó khăn cho bệnh nhân, từ đó cung cấp chẩn đoán chính xác hơn.

Thế hệ tiếp theo của thiết bị đeo thông minh thậm chí sẽ có thể nhận diện những hoạt động người dùng thường xuyên tham gia, đo lường các biến số như nhiệt độ da, hô hấp, chỉ số hydrat hóa và nhịp tim. Chắc chắn rằng các thông tin được thu thập bởi các thiết bị đeo sẽ được sử dụng đồng hành với các ứng dụng điện thoại thông minh có sẵn tính năng chẩn đoán, cảnh báo người dùng, thậm chí ngay trước khi dấu hiệu của bệnh bắt đầu tấn công cơ thể.

Nhằm tận dụng sức chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, nhiều nhà bán lẻ tìm kiếm cửa ngõ để có thể gia nhập thị trường Việt. Thiết bị đeo thông minh có thể đem lại trải nghiệm khác biệt trong việc mua sắm của tầng lớp trung lưu đang lên của Việt Nam. Thông qua việc sử dụng các thiết bị đeo thông minh và công nghệ đèn hiệu (beacon), các nhà bán lẻ sẽ có cảm nhận tốt hơn về những vật phẩm bắt mắt và thu hút người mua và khoảng thời gian họ tập trung ở mỗi khu vực của cửa hàng. Các nhà bán lẻ sau đó có thể sử dụng các dữ liệu thu thập được nhằm cung cấp hành trình mua hàng tùy biến và cá nhân hóa với từng khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm