Game thủ sẽ được "sờ soạng" trong game

(Dân trí) - Game thủ sẽ sớm "sờ nắn" được vật dụng trong game nhờ công nghệ mới ứng dụng sóng siêu âm không thể nghe thấy bằng tai thường.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ đa phương tiện, đôi mắt và tai của chúng ta "ngập tràn" trong biển âm thanh và hình ảnh. Nhưng nghe-nhìn mới chỉ là hai trong số ngũ quan của con người. Các tay cầm chơi game hỗ trợ rung ngày càng được ưa chuộng cho thấy vẫn còn nhiều "đất" để khai phá trong lĩnh vực tương tác giữa con người và phần máy móc .

Nắm bắt được nhu cầu đó, Takayuki Iwamoto và đồng nghiệp tại Đại Học Tokyo vừa công bố công nghệ giả lập xúc giác đơn giản, ứng dụng nhiều máy phát sóng siêu âm cùng lúc. Về cơ bản, sóng âm là không khí bị nén lại, nên nếu các sóng siêu âm từ các máy phát này gặp nhau, chúng có thể tạo thành điểm hội tụ có thể "sờ thấy" như chúng ta sờ vào vật cứng.

Phiên bản mẫu được công bố bao gồm một máy quay theo dõi chuyển động của tay người, sau đó thay đổi hướng phát sóng âm từ các máy phát để tạo điểm hội tụ tương ứng với vị trí bàn tay. Kết quả, người dùng sẽ cảm nhận đang sờ tay theo gờ hoặc bề mặt một vật cứng vô hình.

Hiện tại, hệ thống này chỉ tạo được một lực tương đối nhỏ theo chiều dọc, nhưng đội ngũ thực hiện đang cố gắng bổ sung các chiều hình học khác và tăng công suất để vật thể trong tương lai sẽ "cứng cáp" hơn và có đường nét hơn.

Theo giáo sư Iwwamoto, công nghệ này có thể ứng dụng vào các phần mềm thiết kế vật thể 3D và trò chơi điện tử - ông đã nhận được lời mời chào từ vài hãng khi trình diễn công nghệ này tại một hội thảo tại California vào cuối tháng trước.

Các chuyên gia trong ngành bình luận đây là công nghệ hết sức độc đáo. Người dùng có thể cảm nhận vật thể bằng cả hai tay mà không cần bất cứ phần cứng nào khác ngoài máy phát. Hiện tại, đội ngũ thực hiện đang tìm cách khiến các máy phát điều hướng chính xác hơn để tạo cảm giác và bề mặt phức tạp hơn nữa.

Tuy nhiên, công nghệ này bị giới hạn xung lực tối đa của máy phát, có nghĩa giới hạn "độ cứng" của vật thể ảo. Nếu sóng âm phát ra có cường độ quá cao, các sóng tản mát xung quanh vị trí hội tụ có thể gây hại cho tai người - vốn không thể nghe được sóng siêu âm.

Hoàng Hải
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm