Foxconn muốn chi 5,3 tỷ USD để thâu tóm hãng công nghệ Sharp

(Dân trí) - Hãng điện tử Đài Loan Foxconn được cho là đã đưa ra lời đề nghị trị giá 625 tỷ Yên (tương đương 5,3 tỷ USD) để mua lại hãng công nghệ Nhật Bản Sharp, hiện đang gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Thông tin trên được một nguồn tin thân cận với Foxconn tiết lộ cho tờ báo The Wall Street Journal. Foxconn dự định sẽ chi ra 625 tỷ Yên (5,3 tỷ USD) để giúp Sharp giải quyết các khó khăn về tài chính mà hãng công nghệ này đang gặp phải.

Sharp hiện đang gặp những khó khăn nghiêm trọng về tài chính và liên tục được giải cứu bởi các ngân hàng, tuy nhiên theo nguồn tin kể trên cho biết Sharp sẽ phải trả một khoản nợ vay lên đến 510 tỷ Yên vào tháng 3 tới đây.

Trước đó, Sharp đã nhận được lời đề nghị mua lại từ Inovation Network Corp of Japan (INCJ), một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, với mức giá đưa ra 300 tỷ Yên. Tuy nhiên hiện chưa rõ INCJ có chấp nhận chi trả các khoản nợ mà Sharp đang phải gánh chịu hay không.

Trước đó INCJ cũng đã mua lại hãng công nghệ màn hình hiển thị Japan Display Inc, một đối thủ của Sharp trên thị trường màn hình hiển thị. Nếu INCJ nắm tiếp quyền quản lý Sharp sẽ giúp công ty này có được sự hỗ trợ lẫn nhau về công nghệ màn hình hiển thị để giúp phát triển nhanh hơn trên thị trường này.

Mặc dù đang gặp khó khăn về tài chính tuy nhiên thương hiệu của Sharp vẫn đủ sức hấp dẫn Foxconn
Mặc dù đang gặp khó khăn về tài chính tuy nhiên thương hiệu của Sharp vẫn đủ sức hấp dẫn Foxconn

Bản thân chính phủ Nhật Bản cũng có những lo ngại về việc Sharp bị các công ty nước ngoài thâu tóm và nắm quyền điều khiển có thể khiến các công nghệ của Nhật Bản bị lọt ra bên ngoài.

“Công nghệ của Nhật Bản đang vượt trội so với phần còn lại của thế giới và chúng tôi muốn giúp cho nó tăng thêm khả năng cạnh tranh”, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Motoo Hayashi đã từng tuyên bố.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản ưa thích thương vụ của INCJ hơn vì thương vụ này sẽ giúp Sharp vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Nhật Bản, tuy nhiên phía Foxconn lại đưa ra mức giá “hấp dẫn” hơn và thậm chí sẵn sàng gánh vác các khoản nợ mà Sharp đang phải chịu. Nguồn tin của The Wall Street Journal tiết lộ Foxconn đang cố gắng thuyết phục Sharp đưa ra quyết định dựa trên điều kiện kinh tế, thay vì các yếu tố về chính trị.

Đặc biệt, nguồn tin cũng cho biết để trấn an chính phủ Nhật Bản, Foxconn đưa ra cam kết sẽ không thay đổi đội ngũ lãnh đạo của Sharp, nghĩa là loại bỏ sự lo ngại về việc Sharp sẽ chịu sự tiếp quản của đội ngũ nhân sự nước ngoài. Thương vụ giữa Foxconn và Sharp được dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 4/2, trước thời điểm Sharp công bố báo cáo tài chính hàng quý mới nhất của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên Foxconn có ý định thâu tóm Sharp. Trước đó vào năm 2012, nhà sáng lập và chủ tịch Foxconn Terry Gou, với tư cách cá nhân, đã mua lại 38% cổ phần của một nhà máy sản xuất màn hình của Sharp tại Sakai (Nhật Bản), đồng thời Foxconn cũng đã đồng ý mua lại 10% cổ phần tại Sharp, tuy nhiên thương vụ này sau đó đã bị hủy bỏ vào năm 2013 sau khi báo cáo doanh thu của Sharp được công bố cho thấy tài chính của Sharp đang rơi vào khủng hoảng.

Hiện đại diện của Foxconn, Sharp và INCJ đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin kể trên.

Sharp từng là hãng công nghệ dẫn đầu trong lĩnh vực màn hình smartphone và TV và là đối tác sản xuất màn hình cho iPhone của Apple. Tuy nhiên Sharp đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng công nghệ đến từ Trung Quốc.

Mặc dù Sharp đang gặp khó khăn về tài chính tuy nhiên danh tiếng của công ty này vẫn đủ sức thu hút Foxconn. Foxconn có thể tiếp tục sử dụng thương hiệu của Sharp để tạo sức hút với người dùng, đặc biệt nếu mua lại Sharp, Foxconn sẽ nắm giữ được những công nghệ về màn hình hiển thị mà Sharp đang nắm trong tay.

T.Thủy